Tranh cãi dừng lễ hội phản cảm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những lễ hội chọi trâu nào được phép thực hiện, lễ hội nào cần sửa đổi; Lễ hội đền Trần (Nam Định) không có tranh lộc trên ban thờ, ném tiền vào kiệu rước nên Ban tổ chức phải chấn chỉnh loại bỏ... là những nội dung được tranh luận trong Hội nghị triển khai công tác quản lý lễ hội năm 2018 diễn ra sáng 2/2 tại Hà Nội.

Trâu Tuyên Quang khác gì trâu Đồ Sơn?
Với mục tiêu chấn chỉnh lễ hội phản cảm, nên Hội nghị triển khai công tác quản lý lễ hội năm 2018 chú ý triệu tập đại diện các địa phương có lễ hội phản cảm bị báo chí nhắc tên, đặc biệt là lễ hội chọi trâu. Năm 2017, số lễ hội chọi trâu cơ bản được khống chế trên toàn quốc. Yên Bái giảm từ 7 xuống còn 2; Hà Nội từ chối cấp phép cả lễ hội chọi trâu hay thi trâu khỏe; Bắc Ninh không còn chọi trâu hay chọi ngựa, chọi dê.
 Hội chọi trâu Đồ Sơn.
Theo quan điểm của bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nếu năm 2016 và 2017 Bộ VHTT&DL không quyết liệt với tình trạng núp bóng lễ hội, thì năm nay tỉnh nào cũng có lễ hội chọi trâu. “Đã đến lúc Cục Văn hóa cơ sở phải làm cuộc điều tra tại sao DN ào ào xin cấp phép lễ hội chọi trâu?” – Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh.

Lễ hội chọi trâu để lại quá nhiều hệ lụy. Bán vé vào lễ hội, bày bán thịt trâu tại sới chọi, thậm chí tận dụng địa điểm nhà trường, thư viện để “họp chợ”. Năm 2017, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng xảy ra sự cố trâu số 18 húc chết chủ. Cho dù, Bộ VHTT&DL không khuyến khích tổ chức các lễ hội chọi trâu không có giá trị di sản văn hóa, nhưng theo ông Nguyễn Vũ Phan – Quyền Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang: “Cơ quan quản lý của tỉnh không thể yêu cầu bà con Chiêm Hóa (Tuyên Quang) dừng Lễ hội chọi trâu. Người dân hỏi Sở, trâu Tuyên Quang khác gì trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) mà bắt chúng tôi dừng? Lãnh đạo Sở không trả lời được”. Ông Phan cảnh báo, hiện nay hơn 100 con trâu đã được bà con Chiêm Hóa tập hợp chỉ chờ ra Tết tổ chức chọi, nếu Bộ không có văn bản kịp thời khó ngăn được những hình ảnh đấu chọi diễn ra.

Không chỉ Tuyên Quang gặp khó trong việc vận động bà con Nhân dân thay đổi hình thức tổ chức lễ hội; Lễ hội Cướp phết (Hiền Quan, Phú Thọ) sau nhiều năm bị phản ánh là tranh cướp bạo lực cũng chưa thể xây dựng được kịch bản khác. Năm 2016, cơ quan quản lý, các chuyên gia văn hóa đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân, đề nghị thay đổi cách thức cướp phết. Người dân đồng thuận ngăn chặn bạo lực lễ hội. Tuy nhiên, năm 2017, lễ hội Cướp phết ở Hiền Quan vẫn vỡ trận. Tranh giành, xô đẩy, hàng nghìn người nhảy xuống bùn, xuống sông để có được quả phết cầu may. Theo đại diện phòng Nếp sống văn hóa, Sở VHTT&DL Phú Thọ, chúng tôi động viên người dân chia phe giáp để giảm tranh cướp đám đông, nhưng không có sự đồng thuận. Bởi ở Hiền Quan, ngày Tết Nguyên đán người dân có thể vắng nhà, nhưng vào 12 tháng Giêng, ngày hội của làng, nhà nhà tụ hội đông đủ. Lễ hội Cướp phết gắn liền với tranh phết đã là truyền thống lâu đời của dân nơi đây. Muốn thay đổi, theo ông Phạm Xuân Phúc không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính, mà cần tuyên truyền vận động người dân dần dần.

Tạo dựng tục “cướp lộc có văn hóa”

Năm 2018, có rất nhiều lễ hội sẽ thay đổi nghi lễ tổ chức. Như lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) không còn cảnh tán lộc tập trung mà thành tất lộc. Sau khi dâng lễ giò hoa tre, giò trầu cau ở sân rồng đền Thượng, lễ vật được tiến cung, chia nhỏ tổ chức lễ hạ và tất lễ. Theo ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, sở dĩ có sự thay đổi này vì ngày nay cách thức cướp lộc của người đi hội đã thay đổi. Xưa kia cướp lộc có văn hóa, người trẻ nhường người già; nam thanh niên nhường phụ nữ. Bây giờ là cướp thật, cướp bằng mọi giá. Chính vì vậy, từ đầu năm 2018, chính quyền huyện Sóc Sơn đã thuyết phục Nhân dân thay đổi cướp lộc thành tất lộc và nhận được sự đồng thuận. “Lễ hội chưa diễn ra, nên chúng tôi còn lo lắng quản lý làm sao không phản cảm” – ông Động bày tỏ.

Bên cạnh lễ hội đền Sóc, trên cả nước nhiều lễ hội sẽ điều chỉnh nghi thức tổ chức, như lễ hội cướp chiếu Đức Bụt (Vĩnh Phúc), lễ phát thẻ ấn ở đền Quang Trung (Nghệ An), lễ phát ấn của Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh… “Lãnh đạo Bộ VHTT&DL không ủng hộ những lễ hội bạo lực, đặc biệt là các lễ hội chọi trâu. Chúng tôi chỉ cho phép lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được duy trì, vì là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chứa nhiều giá trị văn hóa di sản. Để giảm tình trạng bạo lực, phản cảm, năm 2018, Bộ VHTT&DL yêu cầu quận Đồ Sơn, Sở VHTT&DL Hải Phòng xây dựng đề án tổ chức điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức, không nặng các màn đấu chọi. Bên cạnh đó, Ban tổ chức lễ hội đền Trần (Nam Định) phải xem xét lại đề án tổ chức đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt cách đây 2 năm. Trong đề án không đề cập đến cướp lộc tại ban thờ khi làm lễ khai ấn, không có ném tiền lẻ vào kiệu rước, tất cả đều là phát sinh trong quá trình tổ chức. Chính vì vậy, Ban tổ chức phải tìm cách ngăn chặn hành vi phản cảm trên” – bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

"Theo dự thảo Đề án tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018, không có vòng đấu loại, chỉ có vòng chung kết của 8 cặp trâu chọi vào ngày 9 tháng 8 âm lịch. Ngoài ra, các nghi lễ tâm linh như tế thần, rước nước, dâng hương tại các đình làng quanh Đồ Sơn sẽ được khôi phục và chú trọng. Dự kiến, vào tháng 3/2018, dự thảo đề án sẽ trình Bộ VHTT&DL xem xét phê duyệt.

Năm nay, tỉnh Nam Định sẽ lắp camera tại Lễ hội khai ấn đền Trần để phát hiện, xử lý các hành vi thiếu văn hóa, nhất là việc ném tiền lẻ lên kiệu ấn." - Bà  Phạm Thị Oanh  - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định,

Trưởng ban tổ chức Lễ hội đền Trần Nam Định năm 2018