CNN, kênh truyền thông chính cho sự kiện tranh cử lần 2 này, trước đó cho biết sẽ giới hạn số ứng cử viên tham gia tranh luận là 10 người, giống như kênh Fox News thực hiện vào tháng trước. Tuy nhiên, sau đó kênh này đã phải thay đổi chương trình để bổ sung thêm 1 ứng viên nữ - cựu giám đốc của tập đoàn công nghệ Hewlett Packard, bà Carly Fiorina. Trước đó, 4 ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đã bước vào một cuộc tranh luận khác được tổ chức vào lúc 15 giờ cùng ngày.
Tâm điểm chú ý
Không ngoài dự đoán, tâm chấn của các luồng công kích chính là tỷ phú Donald J.Trump – với tỷ lệ ủng hộ lớn nhất hiện nay của đảng này. Các ứng viên đã nỗ lực “tấn công” ông trùm bất động sản này nhằm nâng uy tín bản thân và giảm tầm ảnh hưởng của ông, vốn thống trị suốt mùa hè qua kể từ khi cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra.
Tỷ phú Donald Trump vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ cử tri ủng hộ của đảng Cộng hòa
|
Cuộc tranh luận trải dài với rất nhiều chủ đề - từ nạn nhập cư, thỏa thuận hạt nhân Iran, hôn nhân đồng tính, chính sách tài trợ liên bang cho tổ chức Planned Parenthood, mở rộng hơn so với cuộc tranh luận tháng trước với gần 3 tiếng diễn thuyết của 11 ứng viên.
Sơ hở chết người
Theo đó, những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của cuộc tranh luận lần này vẫn là những đả kích hướng về Donald Trump. Trong khi “Người đàn bà thép” của tập đoàn HP - Fiorina gọi ông là “một kẻ giải trí”, tỷ phú này tiếp tục công kích khả năng lãnh đạo và tư chất của Thống đốc Scott Walker, một trong những ứng viên giảm tỷ lệ tín nhiệm sau cuộc tranh luận tháng trước.
Cựu CEO tập đoàn công nghệ HP – bà Carly Fiorina, ứng viên nữ duy nhất của đảng Cộng hòa.
|
“Chúng ta không cần một người học việc trong Nhà Trắng – chúng ta cần một người xứng đáng” – ông Walker đáp lại, bằng tên một chương trình thực tế (Người học việc - Apprentice) của Donald Trump.
Một ứng viên khác từng là mục tiêu đả kích lớn của tỷ phú Trump – cựu thống đốc bang Florida, Jeb Bush đã cho rằng tỷ phú này chỉ là con rối của những nhà tài trợ lớn.
Sau đó, Donald Trump tiếp tục tấn công cựu thống đốc Jeb Bush khi cho rằng chính quyền của anh trai ông – cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tạo ra thảm họa.
Khoảnh khắc duy nhất khiến tỷ phú này chùng lại và có phần e dè trong cuộc tranh luận là khi ông lỡ lời gièm pha vẻ ngoài của ứng viên nữ duy nhất – bà Fiorina: “Nhìn mặt bà ta kìa! Ai sẽ bầu cho bà ta chứ”. Cựu CEO của tập đoàn HP cũng không hề nao núng đáp lại rành mạch: “tôi tin tất cả phụ nữ trên quốc gia này nghe rõ những gì ngài Trump vừa phát biểu”. Ông Donald Trump sau đó đã lần đầu tiên xuống giọng “tôi nghĩ bà ấy có một dung mạo ưa nhìn, bà ấy là một phụ nữ đẹp”.
Cuộc hội thoại trở nên gai góc và mang tính cá nhân nhiều hơn khi người dẫn của đài CNN lưu ý rằng tỷ phú Trump từng nhận định những quan điểm của ứng viên Jeb Bush về vấn đề di cư ảnh hưởng bởi cuộc hôn nhân của ông với một người gốc Mexico. Ông Bush đã không ngần ngại nắm lấy cơ hội, thẳng thắn yêu cầu một lời xin lỗi từ ứng viên Donald Trump.
Ông Jeb Bush - cựu thống đốc bang Florida và là em trai của cựu Tổng thống Mỹ Geogre W.Bush.
|
Theo một khảo sát do tờ New York Times công bố tuần này, có 39% nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng Donald Trump có cơ hội chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử năm 2016.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ cuộc tranh luận, một vài ứng viên đã cố gắng kết nối với những cử tri bằng những mẩu chuyện đời tư. Cụ thể, thống đốc Chris Christie của bang New Jersey đã dành khá nhiều thời gian kể về nỗi sợ hãi của vợ ông trong thảm họa 11/9.
Nghị sỹ Marco Rubio kể về tầm quan trọng của việc biết nói tiếng Tây Ban Nha trong gia đình ông, đồng thời đưa ra nhiều câu hỏi về tình hình xung đột tại Syria để minh chứng kinh nghiệm bảo vệ an ninh quốc phòng trước sự biến động của thế giới.
Đảng Cộng hòa lên kế hoạch tổ chức 9 cuộc tranh luận bắt đầu từ ngày 6/8 cho đến thời điểm trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào tháng 2/2016. Trong khi đó, đảng Dân chủ cũng đã lên kế hoạch tổ chức 6 cuộc tranh luận, trong đó cuộc tranh luận đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/10 tới.