Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tránh giấy phép “con” trong kinh doanh sản phẩm thông tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng có quá nhiều nội dung giao cho Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật nếu Chính phủ, các Bộ, ngành chậm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Đó là vấn đề được rất nhiều ý kiến đề cập tới khi Đoàn ĐB QH TP Hà Nội lấy ý kiến về Dự án Luật An toàn thông tin mạng.

Một nội dung cũng được chú ý là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, đối chiếu để bổ sung, điều chỉnh thống nhất về các hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật; giữa các hành vi bị nghiêm cấm của Dự Luật này với các hành vi của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, mạng internet trong Dự thảo Bộ Luật Hình sự đang được sửa đổi để khi các Dự án Luật này được thông qua bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Đồng thời, đề nghị bổ sung một khoản với nội dung cấm là “Lợi dụng mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ bí mật của Nhà nước”.

Quanh vấn đề thu thập và sử dụng thông tin cá nhân, các ý kiến đề nghị sửa thành “Phải được sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích sử dụng thông tin trước khi tiến hành thu thập thông tin”.

Các quy định liên quan đến kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin, trong đó có quy định thêm 2 loại giấy phép: Giấy phép kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin, Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ an toàn thông tin. Các ý kiến đề nghị rà soát lại để tránh có nhiều loại giấy phép “con” gây khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực này, mặc dù đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Riêng về đào tạo, dạy nghề an toàn thông tin, đại diện các ban, ngành tại Hà Nội cho rằng, hiện nay việc đào tạo nhân lực về an toàn thông tin không chỉ có ở trong cơ sở giáo dục đại học mà còn có ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, nếu chỉ quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cơ sở giáo dục ĐH là chưa đảm bảo cho việc khuyến khích việc đào tạo nhân lực về an toàn thông tin. Đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được hỗ trợ và quy định chi tiết trong Luật.