Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tránh hiểm họa trúng gió

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trúng gió hay trúng phong là thuật ngữ dân gian và y học cổ truyền dùng chỉ những trường hợp bệnh lý xảy ra thình lình do thời tiết, môi trường… tác động cơ thể qua đường thở hoặc lỗ chân lông.

KTĐT - Trúng gió hay trúng phong là thuật ngữ dân gian và y học cổ truyền dùng chỉ những trường hợp bệnh lý xảy ra thình lình do thời tiết, môi trường… tác động cơ thể qua đường thở hoặc lỗ chân lông.

Trong những thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột, lúc có áp thấp, mưa bão hoặc nhiều khí lạnh, những người có sức đề kháng kém rất dễ bị trúng gió.

Trúng gió nhẹ thường là các chứng cảm cúm với các triệu chứng như ớn lạnh, hắt hơi, sổ mũi, chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa... Nặng có thể dẫn đến yếu, liệt nửa người hoặc nói khó, miệng và nhân trung méo lệch, thậm chí đột quỵ.

Giảm thiểu bất lợi của thời tiết

Những người tạng hàn hay sợ gió, sợ lạnh, thích áo ấm… nên quan tâm đến mặc đủ ấm vào mùa lạnh, khi đi mưa hoặc khi làm việc trong phòng máy lạnh. Khi ngủ hay tắm nên tránh nơi có gió lùa. Người già cẩn thận với những thay đổi nhiệt độ đột ngột từ xe hơi có gắn máy lạnh; hoặc từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng; hoặc khi đi vệ sinh ban đêm từ trong nhà ra ngoài. Thay đổi thời tiết đột ngột, nóng quá hoặc lạnh quá, đều có thể kích hoạt thần kinh giao cảm và xuất tiết những hormon stress như cathecholamine dẫn đến tai biến do tăng huyết áp. Trời lạnh còn làm tăng hiệu ứng trên do tác động se da và co mạch ngoại biên. Mạch máu co lại vừa trực tiếp làm tăng áp lực lên thành mạch vừa tác động kích hoạt hệ giao cảm, khiến độ tăng huyết áp của nhiệt độ lạnh lớn hơn so với trời nóng.

Đặc biệt, cần quan tâm đến “ba cái nửa phút” để tránh tai biến do thay đổi tư thế đột ngột, có thể gây tai biến do thiếu máu não: khi tỉnh giấc không nên vội bước xuống giường ngay mà nằm trên giường nửa phút cho tỉnh hẳn; ngồi dậy và chờ khoảng nửa phút sau hãy đặt hai chân xuống giường. Sau khi đặt chân xuống nền nhà, chờ nửa phút sau hãy bắt đầu đứng dậy bước đi.

Vận động, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý

Theo một hướng dẫn về rèn luyện thân thể được phổ biến gần đây, các nhà khoa học Mỹ khuyên người lớn nên vận động khoảng hai giờ rưỡi mỗi tuần, chia làm nhiều lần, tuỳ điều kiện riêng. Với người già, chỉ nên vận động trung bình hoặc đi bộ nhanh sao cho nhịp tim vẫn nằm trong giới hạn từ 60 đến 80% nhịp tim tối đa. Nhịp tim tối đa được tính theo công thức 220 trừ với số tuổi, chẳng hạn độ tuổi 50, nhịp tim tối đa sẽ là 220 – 50 = 170.

Như vậy, nên giới hạn cường độ vận động sao cho nhịp tim không vượt quá 170 x 80% = 136 nhịp đập mỗi phút. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học trường đại học Colorado cho thấy vận động đều đặn và hợp lý không chỉ tăng sức đề kháng, mà còn giúp cải thiện độ mỡ trong máu, làm tăng sản xuất ra chất TPA (Tisue Plasminogen Activator), một loại protein làm tan cục máu đông, chống lại các chứng đột quỵ do nghẽn mạch máu não, dạng trúng phong nguy hiểm nhất.

Ăn đủ chất, tăng cường cá, ngũ cốc thô và rau quả, hạn chế các loại thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ ngọt, rượu, thuốc lá. Tránh ăn quá no, cũng không nên bỏ bữa. Ngoài ra, nên ăn nhiều thực phẩm góp phần tăng sức miễn dịch cơ thể như xúp gà, tỏi, gừng, hành, hải sản, các loại rau quả sậm màu, màu đỏ, vàng, tím. Ăn uống lành mạnh vừa tăng sức miễn dịch vừa có giá trị tích cực trong phòng bệnh, kể cả các chứng trúng gió.