Đặc biệt, vấn đề học 2 buổi/ngày và DTHT trong và ngoài nhà trường ở một số trường chưa rõ ràng là những vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát nêu ra.
Nhùng nhằng giữa nhu cầu với lệnh cấm
Theo ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, hiện tại, thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT về DTHT, các trường tiểu học trên địa bàn chỉ tổ chức trông giữ trẻ theo nhu cầu của cha mẹ học sinh. Còn với bậc THCS, việc học thêm luôn là nhu cầu lớn của cha mẹ học sinh, nhất là trước kỳ thi vào lớp 10.
"Hiện Ba Đình chỉ có 2 trường THCS được học 2 buổi/ngày thì không được cấp phép DTHT. 9 trường THCS còn lại thì được cấp phép dạy thêm cho 159 giáo viên" - ông Nguyễn Đắc Hùng cho biết.
Dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường cần có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Trong ảnh: Tại một lớp học của trường THCS Nghĩa Tân. Ảnh: Đức Giang
Tuy nhiên, với thống kê 1.500 học sinh học thêm trong nhà trường và 1.200 học sinh học thêm ngoài nhà trường mà phòng GD&ĐT Ba Đình đưa ra thì ngay chính nhà quản lý cũng phải thừa nhận không phải con số chính xác. Điều này đặt dấu hỏi về việc quản lý DTHT có bám sát thực tế hay không?
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường THCS Thành Công B cho biết, nhà trường đã tiến hành thường xuyên kiểm tra DTHT và chưa phát hiện sai phạm. "Tuy nhiên, trước đó, tháng 10/2012, trước phản ánh về việc có giáo viên DTHT, nhà trường đã kiểm tra lại và tháng 12/2012 đã phát hiện giáo viên dạy thêm cho con em giáo viên, trường đã yêu cầu những trường hợp này ngừng ngay" - bà Phạm Thị Yến cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho hay: Hiện, Phòng đã cấp phép cho 15 trường THCS với 273 nhóm lớp, có 9.584 học sinh tham gia học thêm 3 buổi/tuần. Riêng 2 trường THCS Tây Sơn và Lê Ngọc Hân do không đủ phòng học nên phải tổ chức DTHT cả ở các địa điểm ngoài nhà trường.
Không để “treo đầu dê, bán thịt chó
Xung quanh vấn đề tổ chức DTHT, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT) khẳng định: Đối với học sinh tiểu học không học thêm, điều này đã được triển khai theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT, trong Thông tư 17 không đề cập đến việc trông giữ ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, tại Thông tư 14 có hướng dẫn việc trông giữ trẻ sau, ngoài giờ học. "Do nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, vì nhiều gia đình không có điều kiện đón con sớm, một số trường tổ chức thuê địa điểm bên ngoài trường trông giữ trẻ. Những trường này, chúng tôi yêu cầu: Chỉ dành tối đa 1/3 thời gian để hướng dẫn học, 2/3 thời gian thì tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí... chứ không được tổ chức DTHT" - ông Tiến cho biết.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan quản lý việc DTHT. Ngoài ra, Sở yêu cầu các trường quản lý việc dạy và học chính khóa, đảm bảo tuyệt đối không cắt xén chương trình dạy học được quy định để dành cho DTHT. Thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc cho điểm, đánh giá học sinh, nhằm ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong DTHT.
"DTHT trong và ngoài nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của phụ huynh, học sinh trong việc bồi dưỡng nâng cao các kiến thức. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận giáo viên tổ chức dạy thêm không xuất phát từ nhu cầu người học, cá biệt có biểu hiện ép buộc học sinh phải học thêm. Việc thỏa thuận với phụ huynh và học sinh về mức thu phí còn có hiện tượng thu cao, gây khó khăn cho gia đình. Vẫn còn một số cơ sở tổ chức DTHT tự phát, không đăng ký với nhà trường cũng như các cấp quản lý… Những trường vi phạm về DTHT khi chưa được cấp phép cũng đã được xử phạt, ví dụ như trường THPT Ứng Hòa B bị phạt hành chính do tổ chức DTHT khi chưa được cấp phép" - bà Nga cho biết.
Đánh giá qua đợt giám sát về thu - chi; Đề án ngoại ngữ, đặc biệt vấn đề DTHT, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP nhận định: Về cơ bản các trường thực hiện đúng quy định về DTHT, thu chi học phí. Tuy nhiên, về DTHT, mô hình dạy học ở THCS chưa thống nhất, công tác kiểm tra nội dung dạy thêm, trong và ngoài nhà trường chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thị Thùy đề nghị: “Sở cần sớm có hướng dẫn cụ thể về mô hình học 2 buổi/ngày, từ học 2 buổi/ngày liên quan đến DTHT, nhằm tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó", bề ngoài tưởng học 2 buổi/ngày nhưng lại thu tiền DTHT… Ngoài ra, việc trông trẻ ngoài giờ phải có sự quản lý chặt chẽ và phải rà soát lại trường nào đủ điều kiện học 2 buổi/ngày, hướng dẫn cụ thể để tránh chuyện DTHT gây bức xúc trong dư luận". |