Đồng ý cần thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhưng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Phải quy định rõ hạn mức được phép thu hồi theo từng cấp quản lý để tránh tình trạng thu hồi tràn lan như trước. Đồng thời phải quy định việc công khai sớm quy hoạch sử dụng đất, tránh để người dân không biết phải chịu thiệt thòi. Nhìn dưới góc độ xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề xuất: Phải có chế tài xác định rõ trách nhiệm hỗ trợ nghề nghiệp cho người dân sau thu hồi đất. Bởi người dân mất đất được bồi thường nhiều tiền, nhưng cũng nhanh hết vì không có nghề nghiệp gì. "Đào tạo nghề cho dân thì tạm bợ, tìm kiếm việc làm cho họ như thế nào cũng chẳng ai quan tâm. Cuối cùng, người dân đều phải tự lo cuộc sống sau thu hồi đất...". Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự án Luật phải quy định trên cơ sở khi bồi thường đất cho dân, cần có sự cân nhắc, tính toán phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người dân. Với nhận định, 3 kỳ họp Quốc hội mới thông qua được một Dự án luật là không bình thường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến từ UBTV Quốc hội để rà soát lại Dự án luật, đảm bảo tính khả thi và khắc phục được những yếu kém, tồn tại. Phải xem xét lại thật kỹ lưỡng, chu đáo trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới, không thể kéo dài thêm nữa. Đặc biệt, phải hết sức lưu ý các nội dung có liên quan tới Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bởi "nếu Hiến pháp không được Quốc hội thông qua thì luật này cũng phải dừng lại" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.