Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam có khoảng 24,2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi). Dự báo trong những năm tới con số này sẽ tiếp tục gia tăng và đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) là 77,6%, tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 66,8%.
Đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trung bình một người phụ nữ có 2 con thì cũng 2 lần nạo phá thai. Đáng chú ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, dịch vụ phá thai đang phải đối mặt với nhiều thách thức: từ thực hành phòng chống nhiễm khuẩn kém; hầu như không thực hiện giảm đau trong thủ thuật, kovac là thủ thuật chủ yếu để phá thai 3 tháng giữa (16-20 tuần); chưa có kỹ thuật để giải quyết phá thai từ 13-16 tuần tuổi; hướng dẫn kỹ thuật phá thai còn sơ sài; tư vấn và yêu cầu cung cấp thong tin không đầy đủ; chưa quan tâm tới cuộc sống sau phá thai, đặc biệt là cung cấp biện pháp tránh thai cho khách hàng sau phá thai… Theo đại diện Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Kim Xuân Nam, nhu cầu sử dụng các BPTT tiếp tục tăng, đặc biệt, đối tượng vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như: Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ còn một số hạn chế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Nếu không phổ biến các BPTT an toàn thì sẽ dẫn đến tình trạng phá thai tràn lan gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, tổn hại tinh thần, chất lượng cuộc sống và gia tăng các chi phí dịch vụ y tế. Thứ trưởng nhấn mạnh, theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Tại hội thảo sáng nay cũng đã diễn ra Lễ ký kết giữa Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam “Chương trình truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng” với sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer Việt Nam.