Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tránh tư tưởng “chọn đại” một ngành

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2017, thí sinh có nhiều sự lựa chọn trường và ngành học.

TS Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH và nghề nghiệp khuyên thí sinh không nên quá căng thẳng mà lựa chọn sai.
Việc chọn ngành học không nên chạy theo áp lực của gia đình. Thí sinh có thể tham khảo ý kiến của người lớn trong gia đình, người nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, nhưng cũng nên tính đến sở trường và năng lực của mình. Đặc biệt, không nên chạy theo trào lưu hay những lời khuyên không rõ căn cứ bởi rất nhiều thí sinh đã gánh chịu hệ quả không hay của những “tư vấn” kiểu đó. Đặc biệt, tư vấn của một số người nói rằng “có biết cửa để chạy vào trường A, trường B…” là không đáng tin.
 Ảnh minh họa
 Các em cũng cần xác định rõ mình sẽ làm gì sau khi học xong CĐ, ĐH, sau này làm việc ở các TP lớn, địa bàn xa hay quay trở về quê nhà. Điều này rất quan trọng vì nhu cầu lao động khác nhau và yêu cầu về trình độ, chuyên môn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tìm việc làm của các em. “Khi chọn ngành học tránh tư tưởng “chọn đại 1 ngành để học đã, còn đâu tính sau” vì các em dễ đánh mất 1 – 2 năm để phát hiện ra mình không phù hợp với ngành đó và tìm cách học lại từ đầu gây tốn kém về tiền cũng như mất một khoảng thời gian vô ích” – ông Phương nhấn mạnh.
 Sau khi xác định được ngành học, thí sinh có thể xem xét học trường nào, các em nên cân nhắc thông tin về ngành đào tạo của các trường. Nếu được, thí sinh nên tìm hiểu mô tả ngành học trên trang web của trường. Nếu trường nào không có thông tin về ngành các em muốn tham khảo thì hãy thận trọng. Có thể trường chưa bao giờ đào tạo ngành này hoặc không thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT về công khai thông tin đào tạo trên trang web.
Trước việc nhiều em thí sinh băn khoăn chọn trường ĐH theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng, TS Phương phân tích: ĐH nghiên cứu sẽ hướng các em vào con đường khoa học nhiều hơn, học cao hơn. ĐH ứng dụng sẽ hướng đến năng lực giải quyết những vấn đề cụ thể trong công việc. Tuy nhiên, học ĐH ứng dụng không hạn chế cơ hội học tập tiếp lên cao của các em sau này. Thậm chí giúp các em nhìn rõ vị trí việc làm cụ thể trong khi các chương trình nghiên cứu thiên về đào tạo ra những người sẽ đi dạy học ở các cấp và sẽ “nặng về tư duy khoa học” hơn. Nhưng những người học ĐH định hướng nghiên cứu vẫn có thể được tuyển dụng vào các DN nếu chứng tỏ khả năng giải quyết vấn đề tốt.