Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật về Hội. Trong đó, quyền về lập...

Kinhtedothi - Ngày 24/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật về Hội. Trong đó, quyền về lập hội và tham gia hội là vấn đề được quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật về Hội không chỉ thể chế hóa Hiến pháp mà còn phúc đáp nhu cầu tự nhiên của xã hội, của quyền con người.
 
Chủ nhiệm Ủy ban KH - CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến.     	Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban KH - CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, quy định thế nào phải tính kỹ. Cụ thể là cần cân đối các nội dung trong Dự Luật này và những vấn đề quy định trong điều lệ hội. Ví dụ quy định về pháp nhân thì liên quan đến Bộ luật Dân sự và điều lệ hội, không phải Dự Luật này. “Tôi rất băn khoăn là đặt ra vấn đề pháp nhân đối với hội để làm gì? Để dễ quản lý hay vì lý do gì? Có nhiều chủ thể không có tư cách pháp nhân như tổ hợp tác, hộ gia đình nhưng ta vẫn quản lý được. Theo tôi không nên đặt ra quy định hội có tư cách pháp nhân, miễn là họ đủ năng lực, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình” - ông Quyền góp ý.

Ngược lại, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng: Các nước thành lập hội đơn giản lắm, chỉ 3 người là lập được hội. Giống như DN thành lập theo Luật DN, hội lập theo luật hội. Tuy nhiên, trong chế độ chính trị của Việt Nam cần phải chặt chẽ. Hội cần tư cách pháp nhân cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về hội cần công nhận người đứng đầu hội. “Cần phê chuẩn người đứng đầu, không phải là để bắt nọ bắt kia, nhưng để biết cái hội đó làm gì, ai là lãnh đạo” - ông Dũng lý giải. 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng: Cần quy định tiêu chuẩn người đứng đầu các hội, ví dụ như trung thành với tổ quốc, chưa phạm tội… Ví dụ mới đi tù ra mà lại lãnh đạo hội nọ hội kia thì cũng không được.

Tài chính của hội cũng là một vấn đề được đặt ra, có ý kiến cho rằng, kể cả những hội đặc thù cũng phải có tiêu chí, không thì sẽ dẫn đến “xin – cho”, ai cũng muốn xin kinh phí cho mình. ““Lộ trình “lấy thu bù chi” của các hội trong 20 - 30 năm nay đã thực hiện được đâu? Để minh bạch về tài chính thì phải có các tiêu chí rõ ràng?” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm.

Với góc độ của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Những nội dung quy định trong Dự Luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính. Hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Mặt khác, cầnđề phòng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng để hình thành các tổ chức đối lập chống phá Đảng và Nhà nước, xâm hại đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu và hoàn thiện Dự Luật này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một lần nữa trước khi quyết định đủ điều kiện trình ra Quốc hội không.

 
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương). Việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật về Hội được cho là cần thiết.