Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Transerco - đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giao thông công cộng đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề dân sinh bức xúc của TP.

Biểu hiện rõ nét nhất là việc đi lại của người dân Thủ đô được cải thiện theo hướng tiện lợi hơn. Có được kết quả đó là nhờ sự tận tâm của cán bộ ngành GTVT Thủ đô, trong đó không thể không nhắc tới sự quan tâm đầu tư của TP và nỗ lực của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco).  

 
Xe buýt đã trở thành phương tiện thân thiện, an toàn góp phần giảm tải giao thông cho Thủ đô.
Xe buýt đã trở thành phương tiện thân thiện, an toàn góp phần giảm tải giao thông cho Thủ đô.

Những ngày đầu gian khó

Sự phát triển của hệ thống xe buýt Thủ đô bắt đầu từ những năm 1960, những tiếng leng keng tàu điện từ Bờ Hồ tỏa ra năm cửa ô. Đến năm 1980, dịch vụ vận chuyển khách trong nội đô bằng xe buýt nở rộ. Toàn hệ thống có 28 tuyến nội thành, 10 tuyến vé tháng chuyên trách với tổng số 500 xe buýt chuyên chở 50 triệu lượt khách đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô ngày đó. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được một cơ chế phù hợp khiến việc kinh doanh vận tải xe hành khách công cộng bằng xe buýt rơi vào cảnh thua lỗ và ngày càng suy giảm. Đến năm 1992, số tuyến xe buýt đã giảm xuống chỉ còn 13 tuyến do Công ty Xe buýt Hà Nội khai thác, vận chuyển khoảng 3 triệu hành khách/năm. Xe buýt đứng trước thách thức lớn của sự bùng nổ xe máy ở Hà Nội nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.  

Trước bối cảnh đó, Chính phủ có chủ trương “Ưu tiên phát triển xe buýt công cộng” và Hà Nội khi đó là địa phương đi đầu trong việc thực hiện. Theo đó, từ năm 1993, TP đã áp dụng chính sách trợ giá cho xe buýt nội đô và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vận hành xe buýt. Nhưng đến năm 2000, vẫn chỉ có 3 doanh nghiệp Nhà nước của ngành tham gia với quy mô nhỏ, phân tán. Xe buýt tuy có sự tăng trưởng nhưng quá chậm so với yêu cầu bức thiết đặt ra. Sau gần 10 năm, sản lượng vận chuyển khách chỉ tăng từ 4,8 triệu lượt khách (năm 1993) lên 15,2 triệu lượt khách (năm 2001).

Trước những yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới và để góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho Hà Nội, UBND TP đã có quyết định thành lập Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng 4 Công ty: Công ty Xe buýt Hà Nội, Công ty Xe khách Nam Hà Nội, Công ty Xe du lịch Hà Nội và Công ty Xe điện Hà Nội. Đây được xem là một quyết sách táo bạo, mang tính đột phá để tạo ra một đơn vị đủ tầm đưa giao thông công cộng Thủ đô bứt phá. Để rồi gần một năm sau, ngày 14/5/2004, Transerco ra đời trên cơ sở Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội.

Hành trình nỗ lực không ngừng
Trong công cuộc hiện đại hóa đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng, vấn đề giao thông luôn được đặt lên hàng đầu, là tiền đề cho những phát triển tiếp theo. Sự tiến bộ nhanh chóng, chắc chắn của Transerco đã và đang giúp Thủ đô ngày càng sạch đẹp, trật tự, văn minh và an toàn, góp phần tạo nên diện mạo mới cho ngành giao thông trong thời gian qua. Dù vậy, Transerco cần tiếp tục nỗ lực, can đảm, tiên phong trong các hoạt động để là một trong những “hạt nhân” quan trọng, gánh vác trách nhiệm với sự nghiệp giao thông công cộng của Thủ đô và đất nước.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng

Kể từ khi được thành lập, câu chuyện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội luôn gắn với hành trình vạn dặm của Transerco. Bằng nỗ lực của cả tập thể, Transerco đã ngày càng lớn mạnh, phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Từ mô hình thí điểm của Nhà nước, Transerco đã vươn lên trở thành điển hình tiêu biểu về việc áp dụng hiệu quả mô hình Tổng Công ty mẹ - con. Đến nay, Transerco đã hoàn thành việc cổ phần hóa và chuyển đổi hình thức pháp lý xong tất cả các công ty con. Vốn điều lệ của Transerco ước đạt 1.200 tỷ đồng và tổng tài sản 2.500 tỷ đồng. Đó là những con số chứng minh cho sự đóng góp của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên đã gắn bó với Transerco. Trong 10 năm qua, hình ảnh những chiếc xe buýt sắc đỏ vàng thương hiệu “Hanoibus” đã trở nên thân thuộc với người dân Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên diện mạo mới cho giao thông đô thị Hà Nội, dần lấy lại niềm tin yêu của hành khách qua mỗi tháng năm. Niềm tin yêu ấy đã nhân rộng vùng phục vụ của xe buýt, khách đi xe ngày càng tăng. Cụ thể, số luồng tuyến xe buýt tăng 2,4 lần, lượng xe tăng 4 lần và khách đi xe buýt tăng cũng trên 30 lần: Từ 15 triệu năm 2001 lên trên 450 triệu khách/năm hiện nay. Tham gia vận chuyển trên 90% lượng khách đi xe buýt toàn TP. Xe buýt đã trở thành bạn đường, trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Thủ đô. Nhiều hơn thế, xe buýt đã có những đóng góp tích cực trong việc giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Trên 10.000 lượt xe và với trên một triệu lượt hành khách mỗi ngày, xe buýt đã hạn chế được trên 700.000 lượt xe máy tham gia giao thông, giảm đi phần nhiều nhịp độ ồn ào, chật chội, đông đúc trên nhiều tuyến đường chính của Thủ đô.

Hòa cùng nhịp điệu phát triển
Tại buổi thăm và làm việc với Transerco  ngày 12/3/2014, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm đầu tư để cải thiện chất lượng giao thông Thủ đô, đến nay đã có nhiều hiệu quả tích cực. Đóng góp vào đó là vai trò quan trọng của Transerco trong việc giải quyết “bài toán khó” về giao thông công cộng. Với xu hướng phát triển TP ngày càng văn minh hiện đại thì phương tiện công cộng phải đóng vai trò quan trọng. Nếu chất lượng vận tải công cộng được nâng lên sẽ dần thay đổi thói quen, thu hút người dân đi xe, giảm bớt phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc và TNGT. Trong thời gian tới, Transerco phải tiếp tục phát huy, nỗ lực cao nhất bằng nhiều biện pháp, không chỉ dừng lại ở phương tiện hiện đại mà còn là chất lượng dịch vụ, bến đỗ, nhà chờ, thái độ lái xe…

Trước những nhu cầu của đô thị hiện đại, ngoài xe buýt, Transerco cũng bước đầu tham gia dịch vụ bến bãi, điểm đỗ xe công cộng. Thực tế, điểm đỗ xe công cộng ở Hà Nội hiện mới chỉ đạt 0,35% quỹ đất xây dựng đô thị và chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đỗ xe của TP. Bởi vậy, Transerco đã tiên phong trong đầu tư, đề xuất các giải pháp mới sáng tạo cho hệ thống các bến xe, điểm đỗ xe công cộng theo quy hoạch. Theo đó, từ năm 2012, Transerco đã đưa vào khai thác dự án garage đỗ xe cao tầng bằng giàn thép lắp ghép tự động tại 32 Nguyễn Công Trứ và Bãi đỗ xe cao tầng tại 315 Trường Chinh với công cụ kiểm soát tự động và hiện đại. Hiện, các dự án garage đỗ xe cao tầng tại Nguyễn Công Hoan và Trần Nhật Duật đang được tích cực triển khai. Đây là một trong những giải pháp để giải quyết bài toán giao thông tĩnh trong phát triển Giao thông đô thị Thủ đô thế kỷ XXI.

Xác định: “Chỉ có đầu tư vào con người và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến thì doanh nghiệp mới nâng cao được năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững”, Transerco đã, đang có những đầu tư thích đáng và đi đầu trong triển khai ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực GTVT. Transerco tự hào là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội (từ năm 2005) đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm quản trị doanh nghiệp tiên tiến trong toàn Tổng Công ty. Với phương châm “đi tắt, đón đầu”, ngay từ năm 2007, Transerco đã sở hữu một hệ thống điều hành xe buýt tiên tiến nhất cả nước. Không chỉ vậy, Transerco còn đầu tư xây dựng các Depot xe buýt được quản lý theo quy trình chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Trong tương lai, Transerco tiếp tục ứng dụng và cập nhật những công nghệ mới hơn, hữu ích hơn, để mang tới những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường, vì một Hà Nội xanh hơn...

Có thể nói, để kiểm soát phương tiện cá nhân một cách chủ động, hợp lý, tránh quá tải về hạ tầng, đồng thời đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại ngày càng tăng với yêu cầu chất lượng ngày càng cao của người dân là việc làm không đơn giản. Nhiều giải pháp cấp bách đã được áp dụng. Tuy nhiên, trước khi có thêm các loại hình giao thông công cộng hiện đại khác, trong giai đoạn trước mắt, xét từ khả năng nguồn lực quốc gia, điều kiện lịch sử, kiến trúc đô thị… thì tăng tỷ trọng vận tải bằng xe buýt vẫn là hướng đi quan trọng nhằm giải quyết ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông. Để làm được điều này, rất cần sự tận tậm, đồng lòng, nỗ lực và chung tay của các đơn vị kinh doanh vận tải, mà Transerco được kỳ vọng là “lá cờ đầu”.

 
Việc thành lập Transerco là một quyết sách táo bạo, mang tính đột phá nhằm tạo ra một Đơn vị đủ tầm đưa giao thông công cộng Thủ đô bứt phá. Với sự quan tâm đầu tư “tạo cú hích” ban đầu của TP đã mang lại cho xe buýt Hà Nội sức mạnh mới, sức mạnh của sự thống nhất về tổ chức, về mạng lưới tuyến, về quản lý và điều hành.

Không phụ với niềm tin của lãnh đạo TP, của người dân Thủ đô, tập thể lãnh đạo và hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng đã dốc hết tâm sức quyết tâm “mua thói quen” đi xe buýt của người dân. Để rồi xe buýt dần lấy lại niềm tin, tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân Thủ đô, trở thành một trong 10 sự kiện nổi bật của Hà Nội 2 năm liền 2002 – 2003. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco ra đời 3 năm sau đó ghi nhận sự lớn mạnh trong chính nội tại đơn vị, phù hợp quy luật khách quan và yêu cầu của thực tiễn của Thủ đô.10 năm qua, là quãng thời gian quý báu để Transerco vươn lên khẳng định mình. Điều đáng ghi nhận là dù trong hoàn cảnh nào, Transerco luôn là một tập thể đoàn kết, sẻ chia và cùng nhau vượt qua thử thách. Điều đó được coi là phẩm giá, là sức mạnh riêng có của Transerco, giúp đơn vị đạt được nhiều thành quả quan trọng trong sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Thành ủy, HĐND, UBND TP giao phó.      

Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường