Dự lễ tổng kết có: Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thế Kỷ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ; Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Hoàng Hữu Lượng. Về phía Hà Nội có: Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi; đại diện các ban ngành TP.
Sau hơn 9 tháng phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được gần 2.500 bài dự thi. Trong đó, điển hình là các học viên của Học viện An ninh nhân dân có 3 nhóm dự thi, với tổng số 473 bài cùng phần trình bày công phu và nội dung phong phú. Ngoài ra, có những tập thể tham gia tích cực cho Cuộc thi như: Trường Tiểu học Thọ An, huyện Đan Phượng (573 bài); Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (195 bài); UBND xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng (193 bài); Chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long - MHB (22 bài)…
Nhìn chung, các bài dự thi có chất lượng, nội dung cao hơn so với cuộc thi lần thứ nhất, tập trung phản ánh về ý thức tham gia giao thông của người dân, những bất cập trong hệ thống cơ sở hạ tầng, pháp lý. Các vấn đề giao thông được đề cập mới mẻ, sát thực, nêu được cả những vấn đề bất cập, nổi cộm và gây nhiều tranh cãi như: Cơ sở hạ tầng giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật; hệ lụy phát sinh từ xe đạp, xe máy điện, biển báo, vòng xuyến, tiếng còi phương tiện; khâu đào tạo cấp giấy phép lái xe… Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích, chỉ rõ nguyên nhân gây nên tình trạng mất ATGT, ùn tắc và TNGT như do quy hoạch đất (GS TSKH Đặng Hùng Võ); vấn đề quản lý, cấp giấy phép lái xe (tác giả Hồng Minh), ý thức tham gia giao thông của giới trẻ (Nguyễn Trọng Thái)…
Ngoài ra, các dự thi cũng đã đề xuất những giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế về ATGT như: Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng: Xe buýt, tàu điện ngầm; biến xe ôm, xe taxi thành phương tiện chung vận chuyển hành khách; phát minh ra đèn giao thông thông minh; đưa công nghệ thông tin vào quản lý điều hành giao thông; xử lý vi phạm giao thông bằng giải pháp mềm, bằng hình ảnh; tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông bằng loa phát thanh, qua mạng internet, trong nhà trường, gia đình, tổ dân khu phố…
Đặc biệt, hình thức thể hiện ý tưởng tham gia Cuộc thi “Vì an toàn giao thông Thủ đô” năm nay có sự độc đáo, công phu, bài bản, thậm chí rất lạ như: Tuyên truyền giao thông qua móc chìa khóa của tác giả Nguyễn Cao Hoàng, “Cà phê biển báo” của tác giả Vinh Quang.
Phát biểu tại Lễ tổng kết và Trao giải Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô 2013”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, đề xuất tâm huyết mang tính thực tiễn cao của các tác giả, tác phẩm đạt giải. Đồng thời, mong rằng, từ những tác phẩm báo chí sẽ góp phần đánh thức ý thức, trách nhiệm các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội chung tay cải thiện tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông của Thủ đô Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Năm 2014, TP Hà Nội xác định là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, vì vậy, Báo Kinh tế & Đô thị, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục phát động và tổ chức cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2014”. Để cuộc thi đạt hiệu quả cao, có sự tác động, sự lan tỏa lớn trong nhân dân Thủ đô và cả nước, Ban tổ chức cần có sự chỉ đạo và biện pháp cụ thể, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thông tin, báo chí Trung ương; các sở ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã; các nhà trường, các cơ quan đoàn thể của TP Hà Nội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, phổ biến pháp luật, vận động xây dựng nếp sống “Văn hóa giao thông” và “Văn minh đô thị”. Bên cạnh đó, cần có cách làm mới như bình chọn tôn vinh những tập thểm cá nhân điển hình; những ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu, sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông để mọi người biết, tự giác chấp hành.
Để Cuộc thi là hoạt động thường xuyên, có tác động lớn trong nhân dân Thủ đô và cả nước, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã tăng cường hơn nữa sự phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cải thiện tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Ghi nhận những thành tích đã đạt được của Cuộc thi, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia tổ chức Cuộc thi gồm: Báo Kinh tế & Đô thị; Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco); Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển nhà Hà Nội (Hadico); Văn phòng Ban ATGT Thành phố Hà Nội; Học viện An ninh Nhân dân.
Tại lễ trao giải, ông Tạ Việt Anh, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đã chính thức phát động Cuộc thi viết “Vì an toàn Giao thông Thủ đô năm 2014”. Đồng thời khẳng định kế thừa thành công của 2 Cuộc thi năm 2012 và 2013, Cuộc thi “Vì an toàn Giao thông Thủ đô năm 2014” sẽ được mở rộng về quy mô, tăng cường chất lượng bài viết, nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức và từng người dân về ý thức an toàn giao thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia tổ chức Cuộc thi
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải. |
GS-TSKH Đặng Hùng Võ nhận giải Nhất của Cuộc thi. |
Ông Tạ Việt Anh, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đã phát động Cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2014” |
Tổng kết Cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2013”, Ban tổ chức đã lựa chọn được 27 tác phẩm lọt vào chung khảo. Hội đồng giám khảo vòng chung khảo đã làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm để tìm ra những bài viết có nội dung tốt nhất để trao giải. Cụ thể, Ban tổ chức đã trao giải Đặc biệt cho Nhóm Dấu án C500 - Học viện An ninh nhân dân với 8 chủ đề được đóng thành 8 cuốn sách; 1 giải Nhất cho GS-TSKH Đặng Hùng Võ với bài “Quy hoạch giao thông nhìn từ quỹ đất”; 2 giải nhì gồm: Tác giả Vinh Quang: “Cà phê biển báo Đà Nẵng: Từ một ý tưởng độc đáo”; tác giả Nhật Minh với loạt 3 bài về: Giải mã và xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội; 5 giải ba: Nguyễn Cao Hoàng, Trọng Tùng, Hoa Hữu Vân, Nguyễn Đăng, Phạm Tuyên; 10 giải khuyến khích gồm các tác giả: Lê Xuân Luyện, Gia Hân, Dương Duy Đài, Nguyên Hà, Khải Lâm, Nguyễn Trọng Thái, Nguyễn Trọng Thông, Ngô Xuân, Khải Chi, Đinh Thành Trung và 6 giải tập thể gồm: Chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Thương mại CP phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB); Bệnh viện Đa khoa Đông Anh; Nhóm Mắt bão - Học viện An ninh nhân dân; Nhóm Đồng đội C500 - Học viện An ninh nhân dân; Trường tiểu học Thọ An (huyện Đan Phượng - Hà Nội); UBND xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng - Hà Nội). |