Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trào lưu sân khấu hóa lễ hội

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL vừa có Công văn số 1893/BVHTTDL-VHCS đề nghị Phú Thọ tìm giải pháp khắc phục hạn chế các lễ hội “điểm nóng” như: Hội chọi trâu xã Phù Ninh, cướp phết Hiền Quan…

Trước đó, Hội Gióng Sóc Sơn, Hội chọi trâu Đồ Sơn cũng đều phải xây dựng các kịch bản mới. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc đổi mới cách thức tổ chức lễ hội đang đồng nghĩa với việc nhiều sân khấu lễ hội đang mọc lên.
Trình diễn phết, còn ai xem hội?

Sau 2 năm tạo hàng rào, ngăn khu cướp phết, Hội cướp phết Hiền Quan vẫn “vỡ trận”. Kẻ xông, người giẫm đạp tranh phết. Dù cuộc tranh giành không xảy ra chảy máu nhưng cũng bị cho là phản cảm. Chính vì vậy, Công văn số 1893 ra ngày 17/5 của Bộ VHTT&DL đã chỉ rõ quan điểm phải xây dựng đề án đổi mới công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Theo đó, đề án phải có các nội dung như: Chuyển đổi hình thức cướp phết sang hướng thực hành nghi lễ đánh phết truyền thống; chia đội, lựa chọn người tham gia thực hành nghi lễ đánh phết, hạn chế số lượng người tham gia; quy định trách nhiệm của BTC, người tham gia thực hành nghi lễ, người tham gia hội để tránh hiện tượng tranh cướp, ẩu đả, mất kiểm soát.
 Tranh cướp phản cảm ở lễ hội cướp phết Hiền Quan 2018. Ảnh: Công Hùng
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sáng 21/5, đại diện lãnh đạo xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết đã nắm được tinh thần của công văn nhưng cũng chưa biết sẽ xây dựng đề án mới thế nào mới đúng tinh thần của Bộ. “Nghi lễ truyền thống của đánh phết là có dùi và gậy đánh phết. Nếu trở về nghi thức đó, với 50 - 100 cái gậy mỗi đội có khi còn nguy hiểm hơn cách cướp phết trên không như bây giờ” – đại diện lãnh đạo xã Hiền Quan bày tỏ.

Thực tế, cách đây 2 năm, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam tổ chức hội thảo cho đề án tổ chức lễ hội cướp phết mới tại chính xã Hiền Quan. Các chuyên gia văn hóa và người dân khá đồng thuận cách cướp phết theo hình thức chia đội nhưng phải đảm bảo nghi thức truyền thống là có lễ rước và tranh cướp. Đến nay, Bộ VHTT&DL lại tiếp tục yêu cầu từ cướp phết sang hướng thực hành nghi lễ, khiến Nhân dân xã Hiền Quan bất bình. “Nét đặc sắc của lễ hội là sự tranh giành. Ban tổ chức có thể giới hạn số người tham gia cướp nhưng không thể tổ chức theo cách mô phỏng và biểu diễn, vì như vậy sẽ không còn ai muốn xem hội. Các cụ cao niên xã tôi nói rồi: Chính quyền không cho tổ chức, Nhân dân sẽ tự mở hội” – anh Hà Văn Bình (người dân xã Hiền Quan) bày tỏ.

Theo chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng đề án tổ chức lễ hội cướp phết cho năm 2019. Thời gian hoàn thành đề án trước ngày 30/9. Đến nay, kịch bản tổ chức như thế nào vẫn là bài toán khó giải cho chính quyền nơi đây.

Ngăn bạo lực – làm sân khấu

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, bây giờ đang là thời đại văn minh, nên không thể chấp nhận hành động theo kiểu mông muội, để hàng trăm, hàng nghìn người xông vào cướp lộc. Hình ảnh đó rất phản cảm. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều nhà nghiên cứu khác nên việc chấn chỉnh tục cướp lộc ở lễ hội Gióng Sóc Sơn và Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội đã được ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh việc chấn chỉnh thành công lễ hội có xảy ra bạo lực thì các sân khấu lễ hội cũng được mọc lên. Lễ hội kéo co ở Vĩnh Phúc từ khởi điểm kéo co ở bãi ruộng, giờ đã kéo trong một sân khấu có sức chứa hàng nghìn người. Lễ hội đền Gióng (Phù Đổng) không chỉ thay đổi đao kiếm mang tính tượng trưng, mà còn dựng một sân khấu ở bãi Đống Đàm để ngăn người dân ùa vào tranh manh chiếu. Thêm nữa, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng được đưa từ bãi biển vào sân vận động quận Đồ Sơn…

Hiện nay, để ngăn chặn bạo lực của lễ hội cướp phết, xã Hiền Quan cũng đề xuất giải phóng mặt bằng khu đất khoảng 2.000 - 3.000m2 để làm sân khấu cướp phết. Số tiền đầu tư cho sân khấu này cũng vài chục tỷ đồng. Chưa tính đến sự lãng phí tiền của Nhà nước mà vấn đề sân khấu hóa lễ hội truyền thống có đi ngược với giá trị truyền thống?. Không phản đối ngăn chặn bạo lực, nhưng mô tuýp đổi mới tổ chức các lễ hội này đang khiến nét đẹp của lễ hội truyền thống thành rập khuôn máy móc và mang tính chất trình diễn.