Bên lề đầu cầu trực tuyến tại TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Long Biên Đào Thị Hương Lan – Giám đốc Công ty Đầu tư công nghệ xây dựng Phúc Tiến đã có những chia sẻ về tinh thần Nghị quyết 35. Theo bà Lan, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để tạo môi trường an toàn, thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm… Đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết của các cấp, các ngành, trong đó có Hà Nội đã mang lại những kết quả đột phá, vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện rõ rệt so với trước đây. Tuy nhiên, giữa chính sách và người thực thi công vụ đôi khi vẫn còn tồn tại một khoảng lặng, cần lắm các hành động để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ khác biệt giữa văn bản và thực thi.
Do đó, cần tăng cường vai trò của các hiệp hội và Hội Doanh nghiệp (gọi chung là Hội DN) bằng một số hành động cụ thể. Một là, cơ cấu đại diện của các Hội DN vào Hội đồng nhân dân; Mặt trận Tổ quốc và Hội chữ thập đỏ cùng cấp. Với vai trò này đại diện Hội DN là cánh tay nối dài của cấp thẩm quyền góp phần thực thi tốt nhất các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp (97% doanh nghiệp nhỏ và vừa) và nhận phản hồi nhanh nhất những bất cập (nếu có) trong thực thi chính sách để giúp các cấp điều chỉnh theo hướng tích cực. Việc tham gia Hội chữ thập đỏ: Các Doanh nghiệp nói chung đều có nhu cầu làm từ thiện, Hội chữ thập đỏ sẽ là nơi cung cấp địa chỉ và tổ chức cho các Doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp đúng lúc, đúng địa chỉ tăng cường gắn kết Chính quyền – Doanh nghiệp – Người dân trên địa bàn và trên cả nước.
Hai là, đại diện Hội DN tham gia vào ban đại diện quỹ đầu tư Thành phố, hay Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và du lịch sẽ giúp cập nhật được thông tin tốt nhất, có lợi nhất giúp các doanh nghiệp nào có đủ điều kiện, phù hợp nội dung thì tham gia sẽ mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, trong tháng tới, Việt Nam sẽ chủ trì Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017. Trong văn kiện lần đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ về nền kinh tế bao dung, lần đầu tiên đưa doanh nghiệp cực nhỏ vào chương trình nghị sự. Đây là tín hiệu đáng mừng cho 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ, Doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn có cơ hội thành công nếu như có được sự khác biệt, và một trong những sự khác biệt tích cực giúp doanh nghiệp thành công đó là công nghệ mới.
Xác định hướng đi như vậy, bà Lan khẳng định, bản thân Hội doanh nghiệp cũng tổ chức kết nối các chủ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới của châu Âu, đó là con đường ngắn nhất nhận chuyển giao công nghệ mới thông qua nghiên cứu thích ứng với Việt Nam để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Đưa ra dẫn chứng, nước Đức nơi có nền công nghiệp hiện đại sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam bằng việc ký kết Chương trình hợp tác nghiên cứu triển khai về KH&CN Việt Nam – CHLB Đức lần thứ nhất giữa Bộ Kinh tế công nghệ Đức và Bộ KH&CN Việt Nam ký ngày 07/12/2012. Mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà khoa học CHLB Đức chuyển giao công nghệ cho các Doanh nghiệp và các nhà Khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, do chính sách có phần chưa theo kịp thực tế nên việc thực hiện đề tài phải chuyển sang hình thức Nghị định thư vì do đơn vị nghiên cứu làm chủ nhiệm đề tài.
Chính vì thế, bà Lan đề nghị, việc nhận chuyển giao công nghệ nên giao cho doanh nghiệp làm chủ nhiệm đề tài và nhận chuyển giao công nghệ cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học (thuộc viện nghiên cứu). “Nếu thực hiện đề tài theo hình thức Nghị định thư sẽ kéo dài thời gian doanh nghiệp được nhận chuyển giao công nghệ, nên rút ngắn một cách thích hợp để doanh nghiệp sớm áp dụng vào sản xuất, kinh doanh” – bà Lan nói. Đồng thời nhấn mạnh, trong kinh doanh, thời gian và sự khác biệt là điều kiện tốt dẫn đến thành công và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế khi Việt Nam tham gia vào rất nhiều các hiệp định thương mại tự do...