Phải khẳng định đây là một vấn đề không nhỏ trong thời buổi internet đang ngày càng lấn át văn hóa đọc.
Khi phụ huynh lướt web…
Chọn chủ đề “Trẻ con có còn thích đọc sách” cho “The book talk” tháng 9 là ý tưởng của người thực hiện khi đây là thời điểm trẻ bắt đầu bước vào kỳ bút sách của năm học mới. Lại càng “có lý” khi cận kề Tết Trung thu, người lớn lo lắng hội bàn vấn đề của trẻ nhỏ. Quả là 4 “nhân vật” của “The book talk” số 4 đã ít nhiều giải mã được những điều cha mẹ băn khoăn bấy lâu nay.
Không ai có thể phủ nhận, đọc sách với nhiều thế hệ thiếu nhi không chỉ là thú vui, mà còn là khoảng trời riêng chứa đựng tuổi thơ, bầu không khí thời đại trong mỗi người. Song hiện nay, khi xung quanh trẻ có quá nhiều cám dỗ từ những trò giải trí chẳng hề kém phần hấp dẫn và cũng không thể khẳng định là không bổ ích như trò chơi điện tử, các show truyền hình, phim ảnh, điện thoại thông minh… thì liệu sách có còn đủ hấp dẫn các em? Rất thực tế, biên tập viên Trần Lê Thùy Linh khẳng định: “Không thể bắt trẻ nhỏ đọc sách khi bố mẹ cả ngày lướt facebook”. Theo chị, trẻ thích đọc sách hay không phần nhiều là do bố mẹ. Nếu gia đình nào bố mẹ thích đọc sách, thì con cái cũng sẽ có sự bắt chước ngay từ nhỏ. Nhưng nếu bố mẹ suốt ngày xem tivi, hay cắm cúi vào iPhone, iPad, máy tính… thì khó có thể mong đợi trẻ nhỏ sẽ thích đọc sách. Do đó, có tách được trẻ ra khỏi những thiết bị công nghệ để chúng tìm đến với thú đọc sách hay không là do bố mẹ.
Là chủ nhiệm CLB “Sách ơi mở ra”, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh cũng khẳng định vai trò của phụ huynh trước câu hỏi: Trẻ có còn thích đọc sách? Lấy trường hợp con mình làm minh chứng, chị Minh cho rằng hoàn toàn có thể khuyến khích trẻ từ chỗ “sợ đọc sách” chuyển sang “thích đọc”. “Để khuyến khích con đọc sách, tôi để sẵn ở đầu giường một ngăn sách nhỏ, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đọc sách cùng con. Những cuốn sách như “10 vạn câu hỏi vì sao”, tôi đọc câu hỏi và câu trả lời, sau đó tôi gấp sách lại để con tự nhớ và trả lời lại. Cứ như vậy, sau một tháng, cháu tự tin hơn, và đến giờ đã thích đọc” - chị Minh chia sẻ.
Cùng đọc với con
Đúng như TS Nguyễn Thị Ngọc Minh nhận định, vấn đề “chốt” lại không còn là băn khoăn “trẻ thích hay không”, mà là cách người lớn khuyến khích trẻ đọc sách như thế nào. “Trong mỗi đứa trẻ luôn có sự tò mò bẩm sinh, nên chúng có tiềm năng đọc sách, vấn đề là người lớn cần biết cách để biến tiềm năng đó thành hiện thực” – chị Minh khẳng định.
Không riêng gì trong cuộc tọa đàm này, mà đã khá nhiều lần bàn đến việc thúc đẩy văn hóa đọc, các nhà nghiên cứu lẫn tâm lý học đều khuyên: Hãy đọc sách cùng trẻ mỗi ngày. Một cuốn cẩm nang về cách đọc cũng nhận xét: “Mỗi lần trẻ nghe đọc, một thông điệp thú vị được truyền đến não chúng. Thậm chí có thể gọi đó là một cách quảng cáo giúp trẻ liên tưởng đến những điều thích thú khi nhìn thấy sách báo”. Thật mừng là nhiều gia đình trẻ ở đô thị hiện nay đã có thói quen “đọc sách cùng con” vào buổi tối. Bản thân nhiều cha mẹ đã nhận thấy, khi trẻ ham thích theo dõi câu chuyện cha mẹ đọc, chúng càng muốn “tự đọc” nhanh hơn và nhiều trẻ còn muốn tự mình viết ra những câu chuyện. Tuy nhiên, để duy trì thói quen này lại cần sự kiên trì của phụ huynh.
Và trước băn khoăn về cách chọn sách cho con giữa “mê trận” sách hiện nay, biên tập viên Thùy Linh cho rằng, cha mẹ chỉ nên lựa chọn sách cho con khi trẻ chưa tự có sự lựa chọn. Còn TS Nguyễn Thị Ngọc Minh đưa ra 2 tiêu chí chọn sách cho thiếu nhi: Những tác phẩm kinh điển đã được thử thách qua thời gian và những tác phẩm văn học đương đại.
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân đọc sách tại thư viện nhà trường. Ảnh: Công Hùng
|