Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ em bị xâm hại tình dục: Gia đình không nên giấu giếm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của nạn xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em, bà Đỗ Thị Hải Đường -Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH Hà Nội không giấu sự bất bình và sốt ruột vì sự chậm trễ vào cuộc của các cơ quan chức năng khi sự việc được phát hiện.

Ngay khi biết em bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị một đối tượng có hành vi dâm ô, Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH đã gửi thư điện tử cho Phòng LĐTB&XH quận Hoàng Mai yêu cầu xem xét và xác minh giải quyết. Đồng thời, Sở cũng báo cáo tình hình lên Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em và Thanh tra Bộ LĐTB&XH; gửi văn bản tới UBND quận Hoàng Mai đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND phường Thịnh Liệt – nơi gia đình cháu bé sinh sống sớm xem xét giải quyết vấn đề theo quy định của pháp luật, cũng như có can thiệp hỗ trợ kịp thời.
 Sản phẩm truyền thông phòng chống bạo lực trẻ em của học sinh trường THCS Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô.
Phòng LĐTB&XH Hoàng Mai và UBND phường Thịnh Liệt đã đến gia đình để nắm bắt tình hình sức khỏe, tâm lý của bé và hỏi thăm gia đình cần hỗ trợ gì. Đại diện hai đơn vị cũng đến cả trường học gặp Ban giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm để nắm bắt việc học tập và vui chơi của bé, đồng thời đề nghị nhà trường tiếp tục quan tâm đến bé. Trong trường hợp bé có biểu hiện mới, báo ngay để can thiệp trợ giúp kịp thời. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH còn đề nghị Trung tâm Công tác xã hội phối hợp với Phòng LĐTB&XH quận Hoàng Mai hỗ trợ, trợ giúp cho bé. “Đến thời điểm hiện tại, phòng LĐTB&XH Hoàng Mai chưa có đề xuất gì với Sở về việc hỗ trợ. Trong quá trình làm việc với gia đình cháu bé, các đơn vị đều tư vấn kịp thời và nhiệt tình” - bà Đường cho hay.
Khẳng định hành vi bạo hành trẻ, trong đó có XHTD gây đau đớn cả về thể chất và tinh thần cho đứa trẻ, gia đình và cả cộng đồng, nên Sở LĐTB&XH luôn dành mối quan tâm không nhỏ cho vấn đề này mong tăng cường nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là những người làm công việc liên quan đến trẻ em. Sở cũng đã tham mưu đề xuất UBND TP ban hành cơ chế báo cáo bắt buộc. Theo đó, khi biết trẻ bị xâm hại, Sở sẽ chuyển thông tin xuống các đơn vị có trách nhiệm để nắm tình hình và giải quyết kịp thời. 5 ngày sau đó, các đơn vị thông tin kết quả giải quyết ban đầu; và sau khi mọi việc được giải quyết sẽ có báo cáo cuối cùng. Sở cũng tổ chức tập huấn quy trình can thiệp trợ giúp cho những người làm công tác này, cụ thể từ khâu tiếp nhận ban đầu, phối hợp xác minh, nắm niện trạng và nhu cầu của bé bị xâm hại, đến lập kế hoạch can thiệp hỗ trợ và ngăn ngừa... Tuy nhiên, nhà quản lý thừa nhận, rất khó để "phủ sóng" được hết trong cộng đồng. Vì thế, rất cần các phụ huynh nhận thức được cách bảo vệ và trang bị cho con mình những kỹ năng phòng tránh hành vi xâm hại. Bản thân phụ huynh cũng cần gần gũi con để biết và chia sẻ chuyện có thể xảy ra với con mình.
Trao đổi về băn khoăn gia đình có nên công khai thông tin trong trường hợp trẻ trong nhà bị XHTD, bà Đỗ Thị Hải Đường cho rằng, việc công khai, công khai đến đâu và như thế nào thì luôn đặt lợi ích của đứa trẻ lên hàng đầu. Khi đưa thông tin lên truyền thông, cần tính đến sự phát triển sau này của bé. Với những trường hợp xảy ra, gia đình nên báo ngay cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết, trên cơ sở đặt lợi ích của bé lên hàng đầu.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng những chị em phụ nữ và gia đình của các cháu bé bị xâm hại tình dục, tìm ra sự thật, lên án nạn ấu dâm ảnh hưởng tới tương lai trẻ em. Đó là nội dung chính trong cuộc họp báo do Hội Liên hiệp phụ nữ  Việt Nam tổ chức chiều 15/3.