Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trên 15.000ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/5, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình trạng thiếu nước, hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Ảnh minh họa
Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, dung tích trữ của các hồ chứa nước thủy lợi đạt trung bình 30 - 56% dung tích thiết kế (DTTK), thấp hơn 8% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Hạn hán xuất hiện cao nhất vào cuối tháng 4/2019 khiến 9.550ha cây trồng bị ảnh hưởng; cụ thể ở các tỉnh: Kon Tum 80ha, Gia Lai 1.340ha, Đắk Lắk 4.630ha, Đăk Nông 3.500ha.
Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Bộ, dung tích trữ của các hồ chứa nước thủy lợi hiện tại đạt 46% DTTK, thấp hơn 12,5% so với TBNN. Hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng cao nhất vào giữa tháng 3/2019 đã khiến 5.900ha cây trồng bị ảnh hưởng, chủ yếu ở các tỉnh: Bình Phước 5.590ha vùng ngoài công trình thủy lợi, tập trung ở các huyện Bù Đăng (4.490ha), Bù Gia Mập (780ha), Lộc Ninh (250ha), Đồng Xoài (70ha); Đồng Nai 210ha tại khu vực đập Năm Sao huyện Tân Phú; Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 100ha cây lâu năm thuộc huyện Xuyên Mộc thuộc khu tưới hồ Sông Hỏa.
Như vậy, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đã có trên 15.000ha cây trồng bị ảnh hưởng của thiếu nước, hạn hán.
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, với tình hình khí tượng thủy văn, nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện như hiện nay, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã chấm dứt ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.
Tuy nhiên đến nay, khu vực Trung Bộ tiếp tục có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước do vẫn đang trong mùa khô. Tổng cục Thủy lợi sẽ tiếp tục theo dõi, kịp thời tham mưu để Bộ NN&PTNT chỉ đạo và tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống, bảo vệ sản xuất.