Trong số 25,48 tỷ USD vốn FDI, có 14,56 tỷ USD của 1.844 dự án (DA) mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 30,4%; có 6,75 tỷ USD của 878 lượt DA đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 28,3%; và 4,16 tỷ USD của 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016.
Đây là kết quả tích cực, bởi cả vốn đầu tư mới, vốn tăng thêm, vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần và vốn giải ngân đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của Bộ KH&ĐT, giải ngân FDI sẽ vượt mức 16 tỷ USD trong năm nay, trong khi mức đầu tư nước ngoài cam kết có thể tăng lên trên 28 tỷ USD.
|
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải |
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, vốn FDI góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong số các ngành mà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 183,5 tỷ USD (chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư). Và lĩnh vực này đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn FDI đẩy mạnh sản xuất. Đây cũng là một trong những nhân tố để có thể thúc đẩy xuất khẩu giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan.
Đứng thứ hai thu hút vốn FDI là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 51,1 tỷ USD (chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đứng thứ ba với 17,8 tỷ USD (chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư). Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành giá điện mặt trời bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 9,35 UScent/kWh, cao hơn đáng kể so với giá bán lẻ điện bình quân của EVN là 7,3 UScent/kWh sẽ “tiếp sức” NĐT đổ vốn làm điện mặt trời.
Vốn FDI từ các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây. Công ty Samsung Electronics (Hàn Quốc) là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% xuất khẩu của cả nước năm 2016. Sự tăng trưởng trong FDI đã giải thích tại sao các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam vượt qua các nền kinh tế châu Á khác, như Indonesia và Malaysia với cùng mức độ cạnh tranh. Hơn nữa, tăng trưởng FDI tức là các nhà máy đang được xây dựng nhanh, đồng nghĩa với mang nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động.
Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầuNgân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ triển vọng kinh tế trong dài hạn, cùng với đó những yếu tố gồm lực lượng lao động dồi dào và mức độ mở cửa thị trường cao. Tuy nhiên, nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm vốn FDI, qua đó tạo thêm việc làm và cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.
“Mặc dù Việt Nam là quốc gia có luồng FDI tốt, nhưng cần tác động lan tỏa hơn. Để làm được điều đó, tăng cường năng lực cạnh tranh trong nước rất quan trọng đối với Việt Nam để đem lại tác động lan tỏa, vươn lên trong chuỗi giá trị gia tăng” - ông Ousmane Dion - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá.
Hiện chỉ có 9% DN đang hoạt động tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhìn vào thực tế, thì phần lớn số DN đạt chuẩn này là DN FDI, DN trong nước, nếu có tham gia được cũng chỉ là những nhà cung ứng thứ cấp và chỉ cung cấp những sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng không cao. Về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng sản phẩm, trình độ quản trị…, phía DN Việt Nam đều yếu và gần như không thể bắt kịp tốc độ thay đổi công nghệ của các DN FDI lớn. Đại diện Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần định hướng lộ trình tham gia cho DN vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bước đầu có thể lựa chọn những DN có tiềm năng phát triển, hỗ trợ liên kết sản xuất với DN nước ngoài để học hỏi và chuyển giao công nghệ. Tiếp đến là hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô đầu tư, nâng chất hoạt động sản xuất và chất lượng quản trị… Cùng với đó, phải xây dựng và nuôi dưỡng đội ngũ sáng tạo, tạo điều kiện để tăng kết nối và chuyển hóa công nghệ từ DN FDI.