Bà Đinh Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Phòng Hội nhập và Đầu tư - Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết các dự án này vẫn chỉ đang dừng lại ở quy mô nhỏ, bình quân chỉ hơn 4,4 triệu USD/dự án.
Hiện đã có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam, hoạt động theo mục tiêu, nhu cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, không có sự liên kết trong chuỗi cung ứng và sản xuất.
Việc thu hút các dự án FDI lĩnh vực thủy sản vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là do các địa phương lúng túng trong xây dựng chiến lược quy hoạch thu hút, xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài mang tầm quốc gia.
Bên cạnh đó đây là lĩnh vực kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận lại không cao, cộng thêm cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam .
Theo bà Đinh Thị Thanh Huyền, tới đây các địa phương nên triển khai thực hiện chiến lược phát triển nghề cá Việt Nam đến năm 2020 nhằm xây dựng những dự án kêu gọi đầu tư FDI có hàm lượng công nghệ cao và mang tính bền vững cũng như hoàn thiện đưa ra các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cần tìm hiểu xu thế đầu tư quốc tế và nhu cầu của các nhà đầu tư kết hợp xúc tiến thương mại; thúc đẩy thu hút nguồn vốn ODA. Đáng chú ý là tập trung nghiên cứu đa dạng hóa phương thức đầu tư “Đối tác công tư” (PPP) bởi đây là mô hình đầu tư mới đang được thúc đẩy thực hiện trong nông nghiệp theo hình thức hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp.
Do vậy, Tổng cục Thủy sản sẽ đồng chủ trì với Metro Cash & Carry Việt Nam và những thành viên khác như Cargill, Fresh Studio về phát triển thí điểm ao nuôi thủy sản theo mô hình METROGAP cho khoảng 2.000 hộ dân tại thành phố Cần Thơ.
Ngoài ra, nên tập trung hình thành Trung tâm phát triển thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và Trung tâm nghề cá lớn tại Kiên Giang để thu hút nguồn vốn FDI, ODA, thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đó, nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tạo thêm việc làm mới góp phần tăng thu nhập cho cư dân địa phương, cải thiện các vùng nông nghiệp-nông thôn,góp phần xóa đói giảm nghèo.
Chế biến cá ngừ đóng hộp tại Công ty KTC Food Kiên Giang.
|