Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trên 887.000 thí sinh làm thủ tục thi THPT Quốc gia 2019: Bảo đảm cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi tập trung ở các điểm thi chiều nay (24/6), trên 887.000 thí sinh sẽ được cán bộ coi thi hướng dẫn làm thủ tục dự thi, học tập Quy chế thi, nghe phổ biến lịch thi, hiệu lệnh trống, kiểm tra số báo danh, mã đề thi...

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại điểm trường THPT Hưng An, huyện Bắc Giang, tỉnh Hà Giang.
Tập trung cao độ cho kỳ thi
Để kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra nghiêm túc, trước đó, lãnh đạo các địa phương đã vào cuộc sát sao, chỉ đạo chi tiết đến từng khâu cho kỳ thi. Việc phối hợp của các trường đại học (ĐH) với địa phương cũng được thực hiện tích cực và chặt chẽ. Thậm chí, nhiều trường ĐH đã về địa phương tới 4 – 5 lần/tháng để trực tiếp trao đổi và thống nhất các phương án chuẩn bị. Các địa phương Hòa Bình, Sơn La gặp khó khăn do thiếu nhân sự cấp sở, phòng tham gia hội đồng thi, các ban của hội đồng... đã đề nghị các trường ĐH hỗ trợ cử cán bộ tham gia. Đồng thời, mời cán bộ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về tập huấn trực tiếp cho toàn bộ cán bộ làm thi của địa phương.

Thông tin từ Thành đoàn Hà Nội – Hội Sinh viên TP Hà Nội, từ ngày 24 - 27/6 sẽ triển khai Chương trình Tiếp sức mùa thi với gần 2.000 tình nguyện viên tại 125 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện. Các đội hình Tiếp sức mùa thi sẽ hỗ trợ cho thí sinh và người nhà thí sinh thông tin về các điểm thi, chia sẻ kinh nghiệm thi cử, lịch trình các chuyến xe buýt, các quán ăn giá rẻ đảm bảo an toàn, vệ sinh. Đồng thời, phát nước và các vật phẩm thiết yếu cho thí sinh và người nhà thí sinh (quạt cầm tay, bánh ngọt...).

Tình nguyện viên quận, huyện, thị xã tổ chức các đội xe tình nguyện mang tên “Áo xanh chở ước mơ hồng” để hỗ trợ đưa – đón thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Đoàn thanh niên các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thành lập các điểm trông giữ xe miễn phí cho thí sinh và người nhà trong những ngày diễn ra kỳ thi. Đoàn Thanh niên các quận, huyện, thị xã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ tổ chức các điểm phục vụ nước miễn phí cho thí sinh và người nhà. Tổ chức các điểm ngồi nghỉ (râm mát, gần điểm thi) cho người nhà trong lức chờ thí sinh làm bài thi. (Oanh Trần)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 cũng như sự vào cuộc tích cực của các địa phương và trường ĐH. Bên cạnh đó, yêu cầu toàn ngành phải tập trung cao độ, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Bộ trưởng đề nghị 63 cụm thi rà soát một lần nữa tất cả các khâu từ nhân sự coi thi, giám sát, thanh tra, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, khắc phục kịp thời những khâu chưa hoàn thiện. Và đặc biệt nhấn mạnh đội ngũ cán bộ coi thi và công tác thanh tra tại các điểm thi.
Nhận định coi thi là khâu đáng lo ngại nhất nên Bộ GD&ĐT quy định thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất là 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi). Các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan. Việc phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi. Kỳ thi năm nay thực hiện thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi: Sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng một lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường ĐH, CĐ. Sau khi dán nhãn thì dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong vòng quanh túi đựng bài thi.
Hà Nội rà soát nhân sự 125 điểm thi
Kỳ thi THPT Quốc gia TP Hà Nội năm 2019 có trên 74.000 thí sinh đăng ký dự thi tại 125 điểm thi trải đều trên toàn TP với 3.119 phòng thi. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia TP Hà Nội năm 2019 Ngô Văn Quý cho biết, từ ngày 22, 23 và 24/6 Ban chỉ đạo thi TP tiến hành kiểm tra các điểm thi về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cũng như các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi.
Trao đổi với báo chí về những lưu ý đối với khâu coi thi, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho biết: Việc bố trí thí sinh vào phòng thi, chúng tôi đã lưu ý cán bộ coi thi 3 nội dung rất cơ bản. Thứ nhất, đối với thí sinh dự thi ngay môn đầu tiên trong bài thi tổ hợp thì vào phòng thi ngay từ đầu. Những thí sinh không dự môn thi thành phần đầu tiên, phải có mặt ở phòng thi sớm 10 phút, trước khi tính giờ làm bài môn thí sinh đăng ký dự thi. Thứ hai, thí sinh chỉ được ra khỏi trường thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi cuối cùng bài thi thi tổ hợp. Thứ ba, thí sinh chờ, có 2 cách. Đối với thí sinh đăng ký dự thi 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (môn số 1 và 3, không đăng ký thi môn số 2) sẽ chờ ở tại phòng thi trong thời gian các thí sinh khác làm bài thi môn thứ 2. Các đối tượng thí sinh còn lại, chờ đến môn thi mình đăng ký dự tại phòng chờ của điểm thi đã được bố trí.
Hiện, Hà Nội đã hoàn tất toàn bộ công tác chuẩn bị thi. Tất cả các điểm thi đã bố trí đầy đủ, lắp đặt hệ thống camera giám sát cho toàn bộ 125 điểm thi. Công tác kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các điểm thi đã được các đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội đi kiểm tra đầy đủ. Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia TP Hà Nội năm 2019 cũng đã họp 2 lần và đã có quyết định thành lập 13 đoàn kiểm tra, trong đó trưởng đoàn là lãnh đạo của các trường ĐH. Mỗi đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi TP trực tiếp kiểm tra các ban chỉ đạo cấp huyện và các điểm thi ở 3 quận, huyện, thị xã đã được phân công. Đồng thời, các lãnh đạo cấp phòng của Sở GD&ĐT Hà Nội là thành viên của Ban chỉ đạo thi TP đều là trưởng đoàn của 5 đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn ngoài giờ hành chính, tức là kiểm tra trực đêm ở tại các điểm thi.
“Chúng tôi cũng bố trí 125 tổ thanh tra cắm chốt ở các điểm thi và đã được tập huấn chiều ngày 21/6. Ngày 21/6, chúng tôi đã rà soát xong nhân sự của 125 điểm thi, chi tiết đến từng giáo viên và cán bộ, nhân viên tham gia kỳ thi này. Tất cả các quyết định về thành lập các điểm thi, các ban, hội đồng đều đã được hoàn tất”- ông Phạm Quốc Toản thông tin thêm.

Sáng 24/6, Sở GD&ĐT các địa phương sẽ giao đề thi tới các điểm thi trong tỉnh, TP. Khi nhận đề, các Trưởng điểm thi phải kiểm tra để khẳng định niêm phong của bì đựng đề thi còn nguyên vẹn, số lượng túi đề thi ghi trên nhãn khớp với số phòng thi theo từng môn của điểm thi (tất cả các túi đề thi có 24 đề), mỗi bài thi có một bì đề thi dự phòng; nếu thiếu phải báo ngay Ban coi thi để bổ sung kịp thời.

Đề thi phải bảo quản trong tủ sắt riêng biệt có khóa (không dùng chung với tủ đựng bài thi). Kể từ lúc nhận đề, tủ đựng đề thi phải được niêm phong và tổ chức bảo vệ đề thi theo đúng quy định (nhãn niêm phong tủ đựng đề thi phải có đủ chữ ký của Trưởng và Phó Trưởng điểm thi là người của trường đại học, chìa khóa do Trưởng điểm thi giữ, công an bảo vệ liên tục 24/24giờ). Mỗi lần mở niêm phong tủ đựng đề thi, có sự chứng kiến của công an và người ký nhãn niêm phong, đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian, lý do mở; biên bản có đủ họ tên, chữ ký của người niêm phong và chứng kiến. (Lưu Ly)