Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Đình Đức (ảnh dưới) khẳng định: Đây là một công việc thường xuyên, là mối quan tâm hàng đầu của Hà Nội để tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống tốt nhất.
Hà Nội là địa phương có tỷ lệ gia đình chính sách lớn, vậy ông có thể cho biết, công tác chăm sóc người có công trong những năm qua đã được thành phố thực hiện như thế nào?
- Nếu tính theo tỷ lệ dân số, Hà Nội đứng thứ hai cả nước về số lượng người có công với cách mạng, với gần 800.000 người, chiếm 12,5% dân số thành phố. Trong đó có gần 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 45.000 thương binh, gần 80.000 liệt sỹ và các đối tượng chính sách khác. Đây là con số rất lớn, song nhiều năm nay, Hà Nội đã dành các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đối với người có công. Ngoài 96.741 người đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, các chế độ khác như miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, tạo việc làm… cho con em thân nhân của người có công cũng được triển khai tích cực nhằm giúp đời sống các thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công được nâng lên toàn diện. Riêng trong năm nay, thành phố đã vận động ủng hộ được 22.512 tỷ đồng vào quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng với mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng, tu sửa nâng cấp 118 công trình ghi công liệt sỹ…
Từ đầu năm 2012, Hà Nội đã thực hiện chế độ điều dưỡng luân phiên 2 năm (đây là quy định vừa được thông qua trong Pháp lệnh sửa đổi một số điều chính sách người có công), tăng chi từ ngân sách mỗi năm 40 tỷ.
Vậy trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, ngoài hoạt động thăm hỏi, vấn đề trọng tâm trong công tác chăm sóc người có công thành phố hướng tới là gì?
- Trong dịp kỷ niệm này, Hà Nội đã tặng quà cho 128.303 đối tượng với kinh phí hơn 56 tỷ đồng. Các quận, huyện tặng 4.445 sổ tiết kiệm tình nghĩa, điều dưỡng cho 9.480 lượt đối tượng chính sách… Tuy nhiên, hoạt động ý nghĩa nhất là giải quyết vấn đề nhà ở cho các hộ chính sách nghèo. Trong năm vừa qua, đã hoàn thành 4.000 nhà, trong đó giải quyết nhà ở cho hầu hết gia đình có công. Đồng thời, trong dịp kỷ niệm này, 609 hộ có nhà hư hỏng tiếp tục được tu sửa. Không dừng ở đó, thành phố sẽ thường xuyên xem xét, quan tâm đến vấn đề này để không phát sinh thêm những nhà cần sửa chữa mới.
Theo yêu cầu của Chính phủ, các địa phương phải cố gắng để gia đình chính sách có mức sống trung bình và cao hơn mức sống tối thiểu trong khu vực. Tiêu chí này ở Hà Nội hiện nay ra sao, thưa ông?
- Không phải đến bây giờ Hà Nội mới quan tâm đến vấn đề này, mà được đặt ra từ nhiều năm trước. Vừa qua, chúng tôi có thông kê theo chuẩn nghèo mới, Hà Nội chỉ còn 10 hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan, bởi giữa cái thoát nghèo và cận nghèo rất mong manh. Cho nên thoát nghèo có bền vững hay không là mối lo và quan tâm tiếp của ngành và thành phố.
Xã hội hóa công tác chăm sóc người có công vẫn được coi là một mặt mạnh của Hà Nội, ông nhận định thế nào về việc này?
- Đúng vậy, Hà Nội triển khai khá sâu rộng vấn đề này. Chỉ xin đơn cử, trong đợt thăm hỏi vừa qua, nguồn quà từ xã hội hóa có thể gấp 2 lần từ nguồn ngân sách. Tôi cho rằng rất là tốt. Việc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, việc chăm sóc mẹ, vợ liệt sỹ cô đơn đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, đoàn thể. Đến nay 100% mẹ có cá nhân, tổ chức nhận phụng dưỡng, với số tiền ít nhất là 500.000 đồng/tháng. Trong vấn đề nhà ở cho hộ gia đình chính sách nghèo, nguồn xã hội hóa thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa càng thể hiện rõ.
Pháp lệnh sửa đổi một số điều về chính sách người có công có hiệu lực từ tháng 9/2012. Vậy, Hà Nội đã chuẩn bị đón nhận những điểm mới này thế nào?
- Hà Nội luôn là nơi triển khai nhanh và đầy đủ các chính sách cho người có công, vì vậy thời điểm này, thành phố đã sẵn sàng đón nhận để thực hiện tốt cả chế độ cũ và mới và coi đấy là hành động thiết thực tể tỏ lòng tri ân với những người có công với nước. Những quy định mới được đưa ra cũng giúp giải tỏa nhiều những vướng mắc trong công tác chăm sóc người có công hiện nay.
Vậy trong thời gian tới, công tác chăm sóc người có công tại Hà Nội sẽ tập trung vào thực hiện các vấn đề Pháp lệnh sửa đổi đã đưa ra?
- Đấy là vấn đề đầu tiên cần làm một cách tích cực nhất. Sau nữa, tiếp tục giải quyết tận gốc khó khăn cho các gia đình chính sách nghèo như hỗ trợ nhà ở, việc làm, chế độ chính sách…
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, đến nay cả nước đã công nhận và thực hiện chính sách với 8,8 triệu người có công. Trong đó, có 1.146.250 liệt sỹ; 49.609 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó 3.923 mẹ còn sống; 781.021 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; gần 185.000 bệnh binh; trên 236.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.898.000 người có công giúp đỡ cách mạng; 4.146.798 người hoạt động kháng chiến... Hiện có hơn 95% gia đình người có công có mức sống từ trung bình trở lên. |