Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai các biện pháp ứng phó bão Haiyan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/11, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư họp khẩn bàn biện pháp ứng phó với cơn bão Haiyan. Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo, siêu bão Haiyan hiện đang ở cấp cao nhất, cấp 17, giật cấp 18, 19 và đang hướng vào nước ta.

Đêm 8/11, rạng sáng 9/11, bão sẽ đi vào khu vực Biển Đông và chỉ trong vòng 2 ngày sau đó, tâm bão sẽ cập bờ. Bão kết hợp với đới gió Đông có thể gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và có thể mở rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tại cuộc họp khẩn diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư lưu ý các địa phương cần phải chuẩn bị các phương án phòng chống toàn diện, xây dựng kế hoạch ứng phó chi tiết và cụ thể ở trên biển, ven biển và trên đất liền. Từ hôm nay đến lúc bão cập bờ còn khoảng 5 ngày đêm, các mô hình dự báo còn rất phân tán, chưa xác định được khu vực đổ bộ. Tuy nhiên, nhiều khả năng bão hướng vào khu 5, áp sát vào các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng sau đó di chuyển men theo bờ biển. Một số dự báo khác lại cho tâm bão có thể vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, công tác trọng tâm hiện nay là tập trung kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển ở Bắc Vĩ tuyến 8 đến Vĩ tuyến 15, phía Đông kinh tuyến 112 khẩn trương di chuyển về bờ. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau kêu gọi toàn bộ tàu thuyền khẩn trương di chuyển vào đất liền tránh trú bão. Vùng ven bờ các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định chuẩn bị tập trung hướng dẫn các tàu thuyền neo đậu an toàn; Sơ tán dân các vùng cửa sông, cửa biển; Di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản và tuyệt đối không để người trên các lồng bè khi bão đổ bộ.

Tính đến 6 giờ sáng nay, Bộ đội Biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương kêu gọi, hướng dẫn cho hơn 85.000 phương tiện với khoảng 385.000 người biết diễn biến áp thấp nhiệt đới và bão.

Về tình hình các hồ chứa, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu có 55 hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như: Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định), Suối Lớn (Ninh Thuận), Nông Trường 4 (Bình Phước), Tà Mon, Tân Lập, Trà Tân (Bình Thuận). Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, trong đó nhiều hồ tiểm ẩn nguy cơ cao như: Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn 2 (Lâm Đồng).

Hiện tại, các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận hiện duy trì ở mức khoảng 50% - 70% dung tích trữ thiết kế. Một số hồ có mức trữ cao là Vạn Hội (Bình Định) 83%, Hoóc Răm (Phú Yên) 98%, Suối Trầu (Khánh Hòa) 88%, Tân Giang 86%. Hầu hết các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Nguyên đã đầy nước, tràn hoặc xả tràn.