Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai hàng bình ổn giá về nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mở siêu thị, bán hàng bình ổn giá tại nông thôn là việc làm cần thiết và phải triển khai từ sớm. "Đáng lý, 80% hàng bình ổn giá phải được đưa về với người nghèo, sinh viên, khu công nghiệp, họ mới là những người cần nhất", ông Phú nói. Cũng theo ông, bình ổn giá phải công khai và tránh việc để tiểu thương, tư thương lợi dụng vào gom hàng, bằng cách phát phiếu mua sản phẩm ch

Mỗi năm chỉ có vài chuyến hàng lưu động, hàng Việt bình ổn giá vẫn trở nên xa vời với người nông dân. Mới đây, siêu thị kinh doanh theo hình thức này đã triển khai ở một số huyện ngoại thành Hà Nội.

Hai điểm bán bình ổn giá cố định bao gồm 9 mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thit... và nhiều sản phẩm Việt Nam khác đã được khai trương tại Đông Anh và Đan Phương trong tháng 11. Trong đó, siêu thị Hapro Đông Anh với diện tích 2.000 mét vuông bày bán 25.000 mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm tiêu dùng, thời trang, điện tử... Trước đó, Hapro Đan Phương đã phục vụ khoảng 2.000 lượt khách trong 2 ngày vàng khuyến mãi 12 và 13/11.

Triển khai hàng bình ổn giá về nông thôn - Ảnh 1

Siêu thị bán hàng bình ổn giá được triển khai tại một số huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huyền

Các điểm này được triển khai theo kế hoạch mở rộng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thông tin từ Tổng công ty thương mại Hapro cho biết hai siêu thị trên đã thu hút đông người dân địa phương đến mua sắm. "Trung bình mỗi ngày Hapro Đông Anh đón tiếp 1.200-1.500 khách, còn Hapro Đan Phương phục vụ 400-500 khách", đại điện của đơn vị này cung cấp.

Chị Trần Bích Phương, sống ở huyện Đông Anh cho biết, trước đây một vài chuyến hàng Việt lưu động cũng xuống khu công nghiệp Nội Bài; song vài ba tháng đến nửa năm mới có, không đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Trong khi đó, hàng sản xuất trong nước, chất lượng cao, giá vừa phải không có nhiều ở các cửa hàng quanh đó.

"Hàng hóa ở đây không nhiều nên đại lý tự ý đẩy giá, hàng Trung Quốc, nhái thương hiệu, thậm chí hết hạn sử dụng...; mỗi khi muốn mua hàng xịn phải lên tận Hà Nội. Nếu có điểm bán hàng Việt cố định tại đây thì tiện hơn", chị Phương nói.

Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty thương mại Hapro cho biết, triển khai siêu thị tại các huyện ngoại thành Hà Nội là nhằm phục vụ thường xuyên nhân dân địa phương, công nhân khu công nghiệp và nhu cầu hàng Tết sắp tới. Theo bà Khuê Anh, mô hình siêu thị giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa về nguồn cung, giá cả, vệ sinh...

Vị giám đốc thông tin, việc mở rộng hệ thống siêu thị sẽ tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay 20% nhân viên tại Hapro Đan Phượng và 60% nhân viên siêu thị ở Đông Anh là người địa phương. "Theo kế hoạch sau thời gian hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ thu hút 100% lao động là người dân bản địa", bà Mai Khuê Anh nói.

 
Triển khai hàng bình ổn giá về nông thôn - Ảnh 2

 Các siêu thị bán hàng bình ổn giá tại huyện Đông Anh, Hà Nội thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Huyền

Tuy nhiên, tính đến nay, số lượng siêu thị được triển khai tại các vùng ngoại thành, nông thôn còn khá khiêm tốn. Trao đổi với PV, một số siêu thị khác cho biết chưa có kế hoạch mở hệ thống bán hàng bình ổn giá ở nông thôn. "Do không được trợ cấp về vốn, nhân lực cũng chưa đủ, lại đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa, triển khai chương trình Tết nên chúng tôi chưa lên kế hoạch mở rộng siêu thị ra các huyện, ngoại thành", đại diện một siêu thị lớn tại Hà Nội cho biết.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng mở siêu thị, bán hàng bình ổn giá tại nông thôn là việc làm cần thiết và phải triển khai từ sớm. "Đáng lý, 80% hàng bình ổn giá phải được đưa về với người nghèo, sinh viên, khu công nghiệp, họ mới là những người cần nhất", ông Phú nói. Cũng theo ông, bình ổn giá phải công khai và tránh việc để tiểu thương, tư thương lợi dụng vào gom hàng, bằng cách phát phiếu mua sản phẩm cho người tiêu dùng.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, bình ổn giá tại nông thôn không nên rải rác quá nhiểu mặt hàng mà phải đánh trúng vào nhu cầu của người dân một cách đúng thời điểm. Đơn cử như khi giá thịt cao thì cần tập trung nguồn vốn cho mặt hàng đó. Còn nếu mang gạo ngon về nông thôn để bình ổn là chưa thiết thực.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải tăng sức mua của người tiêu dùng. Bởi nếu hàng đưa về nhưng nông dân không có tiền để mua thì cũng không mang lại hiệu quả. "Cần thu mua hai chiều, tổ chức sản xuất sạch rồi mua rau, củ, quả, nông sản cho bà con và mang sản phẩm công nghiệp với giá ổn định về địa phương, áp đảo được 60% thị phần thì mới có cơ hội bình ổn thị trường", ông Phú nói.