Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai ngay việc giao đất dịch vụ cho dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/4, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã giám sát việc thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Theo thống kê, huyện Thanh Oai có 7 dự án nằm trong chính sách giao đất dịch vụ cho người dân, với tổng số hộ bị thu hồi đất là 4.117 hộ, diện tích cần để quy hoach đất dịch vụ 22,88ha với 12 khu đất. Qua giám sát, các thành viên Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, diện tích đất dịch vụ và số đối tượng được nhận đất trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với toàn TP, nhưng kết quả giao đất dịch vụ của huyện còn hạn chế.

Lãnh đạo huyện cho biết, đến nay, huyện mới GPMB xong 1,2ha dự án đất dịch vụ tại Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên -  Bích Hòa và đã tổ chức bốc thăm 2 đợt cho 171 gia đình nhận đất tại 57 ô với tổng diện tích 0,29ha. Đối với dự án tại thị trấn Kim Bài, huyện cùng chính quyền cơ sở cũng đã tổ chức bốc thăm nhận đất, giao đất dịch vụ cho gần 500 đối tượng. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu  đất dịch vụ, nên tiến độ triển khai cấp đất dịch vụ cho người dân tại các dự án trên địa bàn huyện Thanh Oai còn chậm. Cùng với đó, gần 14ha trong số 22,88ha quy hoạch cho đất dịch vụ vãn chưa có quyết định thu hồi đất, chưa GPMB, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật...

Trong rất nhiều nguyên nhân huyện đưa ra để lý giải cho việc chậm tiến độ giao đất dịch vụ, đáng chú ý, có nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều chủ đầu tư các dự án trên địa bàn như Công ty Coma 18, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5... dù đã nhận trách nhiệm GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ nhưng không làm, mà chỉ tập trung thực hiện đối với phần diện tích để kinh doanh. Và có cả nguyên nhân sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa  phương có đất dịch vụ còn hạn chế, chưa quyết liệt trong đôn đốc, lập và thực hiện dự án.

Hiện nay, huyện cũng như các xã, thị trấn đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí để chuẩn bị đầu tư, GPMB... và không có khả năng cân đối ngân sách với tổng số tiền lên tới khoảng 350 tỷ đồng trong khi số tiền dự kiến thu của các hộ dân theo quy định khoảng 29,74 tỷ đồng. Huyện đề nghị TP cho ứng vốn từ Quỹ phát triển đất và lấy nguồn kinh phí đấu giá làm nguồn vốn thực hiện công tác GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu đất dịch vụ và sẽ hoàn trả TP sau khi hoàn thành công tac giao đất và thu tiền giao đất dịch vụ từ các hộ gia đình...

Theo đánh giá của các thành viên Đoàn giám sát, có một thực tế là nhiều kết luận của TP hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ trong công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện nhưng các ban, ngành của huyện không nắm bắt kịp thời. Điều này thể hiện sự lúng túng của các phòng, ban trong công tác tham mưu, dẫn tới sự chậm trễ trong triển khai, thực hiện. Huyện cũng chưa đưa ra được mục tiêu và kế hoạch hoàn thành việc giao đất dịch vụ. Đoàn giám sát đề nghị huyện rà soát, kiện toàn ngay bộ máy, xây dựng kế hoạch chi tiết trong xử lý đất dịch vụ để sớm giao đất dịch vụ cho người dân, bảo đảm quyền và lợi ích cho những người đã bị thu hồi đất. Trong đó, làm dứt điểm với những khu vực đã GPMP, khắc phục ngay sự chậm chễ.