Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ công tác tổng kết, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã được Chính phủ tổ chức quy mô, bài bản, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Quang cảnh phiên họp chuyên đề của Chính phủ ngày 25/12. Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Các Bộ, ngành, địa phương đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, huy động được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân vào sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng của đất nước.
Chính phủ đã chấp hành nghiêm túc và bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; chủ động, tích cực tham gia sâu vào quá trình đề xuất, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Trong mỗi giai đoạn thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phân công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều có các báo cáo góp ý, đề xuất chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương.
Qua rà soát, so sánh có nhiều nội dung của Hiến pháp sửa đổi được xây dựng trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cơ bản đồng tình với Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình, đồng thời nhấn mạnh, Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua là đạo luật cơ bản của đất nước, do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các biện pháp thực thi Hiến pháp.
Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp; tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.