Triển khai thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024: Những điểm cần lưu ý

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, các Bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch, lộ trình, nguồn lực đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế, có biện pháp nâng cao tuân thủ tự nguyện cho người nộp thuế.

2 nội dung áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung

Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu bao gồm 8 Điều và 1 Phụ lục. Một số điểm đáng chú ý tại Nghị quyết đó là người nộp thuế là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu Euro trở lên trừ một số trường hợp theo quy định.

Thuế tối thiểu toàn cầu nếu được áp dụng sẽ tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.
Thuế tối thiểu toàn cầu nếu được áp dụng sẽ tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Tại Nghị quyết cũng có quy định 2 nội dung về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung: quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia nêu trên, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính.

Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài.

Thuế suất tối thiểu được quy định tại Nghị quyết là 15%. Theo quy định tại Nghị quyết, người nộp thuế phải kê khai tờ khai thông tin theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu; tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính.

Thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế đối với quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính. Đối với quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với năm đầu tiên tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng; là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các năm tiếp theo.

Tại Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết; chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ việc thu thuế tối thiểu toàn cầu; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai chính thức, phân công trách nhiệm, tổ chức bộ máy, nguồn lực để kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế, có biện pháp nâng cao tuân thủ tự nguyện cho người nộp thuế.

Đảm bảo quyền  và lợi ích hợp pháp

Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với Thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore....

 

Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết để bảo đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý, đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị quyết để triển khai thực hiện.

Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam cũng đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của Thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới.

Thực tế, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Bộ Tài chính tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 Tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).