Nhiều người bật cười vì sự tinh nghịch của trẻ em trong những bức ảnh triển lãm - sự tinh nghịch giữa những nguy hiểm đạn bom không hề được báo trước. "Trẻ con thời nào cũng thật hồn nhiên, trong sáng, có lẽ chiến tranh, bom đạn không thể ngăn những nụ cười của chúng", bà Đỗ Thị Tuyết Mai, 53 tuổi, chia sẻ khi xem bức ảnh: "Học sinh trường cấp 1 Minh Phương (Việt Trì) hướng dẫn nhau đội mũ rơm đúng cách" (tác giả Minh Đạo). Nhưng rồi người ta cũng không kìm được những thương cảm khi bắt gặp khoảnh khắc lũ trẻ bị tổn thương... Câu chuyện về trẻ em thời chiến này lại được "thêm ý thêm lời" khi NXB Kim Đồng còn giới thiệu cả những cuốn sách ra đời trong những năm 1964 - 1972, thời kỳ NXB phải sơ tán về xã Đình Chu , huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Dù điều kiện làm việc thiếu thốn, nhưng rất nhiều cuốn sách ý nghĩa vẫn ra đời, tới tay các em thiếu nhi trên cả nước.
Lễ khai giảng ở trường cấp 1 xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
Có lẽ, chuyện học hành là điều đáng nói nhất của trẻ em thời chiến. Các em tự đào hào giao thông, đào hầm trú ẩn cho những lớp học của mình. Nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các lớp học phổ thông đều nằm dưới những căn hầm đắp đất vững chắc. Các em được học cách tự băng bó và cứu thương, học đan mũ rơm, học nấu ăn, làm bánh mì… Hành trang đến trường của tất cả trẻ em ngoài sách vở còn có túi cứu thương cá nhân và mũ rơm đội đầu. Một tiết học nhiều lần bị ngắt quãng bởi tiếng kẻng báo động, tiếng bom rơi đạn nổ, tiếng máy bay địch gầm rú… Vậy mà, trẻ em thời chiến vẫn chẳng sợ gì những khắc nghiệt của chiến tranh, vẫn chăm ngoan, học giỏi, vẫn cất cao tiếng hát những khi ngớt tiếng súng, và còn tham gia lao động, sản xuất… 70 bức ảnh của các phóng viên TTXVN, báo Thiếu niên Tiền phong và Hãng truyền hình Nihon Denpa News (Nhật Bản) đã kể với công chúng những điều ấy, khiến nỗi xúc động của những người đã đi qua chiến tranh cũng trở về: "Tôi và chắc chắn rất nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi có mặt tại đây như thấy lại chính mình trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy. Thậm chí, mùi đất, mùi ẩm mốc của những căn hầm phòng không ngày ấy dường như ngấm cả vào bữa ăn, giấc ngủ, vào những trang sách học trò và như vẫn còn nguyên trong khứu giác đến tận bây giờ" - ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN cho biết.
Hướng dẫn nhau đội mũ rơm đúng cách
Cuộc trưng bày "lội ngược dòng thời gian" về 40 năm trước này đúng là dịp để người hôm nay, đặc biệt là học sinh lớn lên trong thời bình, hiểu thế hệ trước đã sống, học tập, lao động trong điều kiện khốc liệt như thế nào. Đấy cũng là lời nói đầy thán phục về sức sống mãnh liệt của người Việt Nam , sức sống bình dị mà kiên cường đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.