Triết lý bóng đá đường dài

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giới bóng đá có câu: “Muốn đi nhanh, hành trang bạn phải gọn. Muốn đi xa, bạn phải lại phải chuẩn bị nhiều hành lý”.

Ông Park Hang Seo đặt mục tiêu dài hạn ở Asiad lần này nên cần phải có sự chuẩn bị kỹ về nhân sự cũng như lối chơi.
Câu trả lời của ông Park

Trước khi đi Asiad, ông Park Hang Seo có hai quyết định về nhân sự gây tranh cãi. Đầu tiên là ông lựa chọn tiền đạo Nguyễn Văn Quyết làm thủ quân U23 Việt Nam bất chấp màn trình diễn không mấy ấn tượng tại VFF Cup diễn ra tại Mỹ Đình. Tiếp đó, ông quyết định để thủ môn đang có phong độ cực tốt tại V.League là Đặng Văn Lâm ở nhà và lựa chọn cầu thủ lâu nay phải ngồi ghế dự bị Bùi Tiến Dũng làm người gác đền số 1.
 Một pha tranh bóng trong trận Việt Nam gặp Nepal. Ảnh: Độc Lập
Quyết định về nhân sự của ông Park khiến dư luận nổi sóng. Rất may cho ông Park là với thành công tại Vòng chung kết U23 châu Á nên nhà cầm quân này không phải nhận chỉ trích từ dư luận. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không phải là ông Park, chẳng HLV bản địa nào dám đi ngược dòng ý kiến dư luận. Không thể nhắm búa rìu vào ông Park Hang Seo, người ta đã đưa ra một tá thuyết âm mưu để lý giải cho sự hiện diện của ngôi sao Văn Quyết ở U23 Việt Nam. Người thì khẳng định, ông Park Hang Seo chịu áp lực từ bầu Hiển để giữ chân Văn Quyết. Nhưng người ta đã quên mất rằng từ thời ông Miura đến khi HLV Hữu Thắng cầm quyền, Văn Quyết vẫn là tiền đạo số 1 ở đội tuyển. Chưa hết, ông Park Hang Seo được bầu Đức trả lương nhưng HAGL chỉ có 5 cầu thủ được chọn trong khi Hà Nội FC có đến 8 người.

Mỗi cổ động viên (CĐV) đều tự cho mình là một HLV chuyên nghiệp nhưng người chịu trách nhiệm về thành tích của đội bóng là ông Park Hang Seo. Thực tế là qua hai trận đấu, hai cầu thủ bị chỉ trích nhiều nhất lại là những người chơi tốt nhất. Văn Quyết ghi tuyệt phẩm trong trận khai mạc và chính anh cũng kiếm về quả phạt 11m nhưng sau đó Công Phượng đá hỏng. Anh Đức thì giúp U23 Việt Nam phá vỡ thế bế tắc trong trận đấu với Nepal. Sau đó, chính lão tướng này đã chuyền bóng để Phan Văn Đức ấn định chiến thắng 2 - 0 cho U23 Việt Nam.

Không có ai là số 1

Qua hai trận đấu, ông Park Hang Seo sử dụng hai đội hình. Nó cho thấy nguyên tắc đã trở thành thương hiệu của nhà cầm quân này là không có vị trí nào là bất khả xâm phạm. Mọi cầu thủ đều đứng trước nguy cơ bị thay thế nếu không có phong độ tốt nhất và sự phù hợp với cỗ máy chung. Từ Xuân Trường đến Công Phượng, Đức Huy đều bị ngồi dự bị dù họ đang là những cầu thủ được trông đợi nhất ở giải đấu này.

Ông Park Hang Seo muốn tạo ra một môi trường đầy tính cạnh tranh và công bằng ở U23 Việt Nam. Đó cũng là cơ sở để đội bóng thành công bởi khi ấy, mọi cầu thủ đều phải phấn đấu vì tập thể. Có thể nhận thấy hiệu quả trong cách dụng nhân này là U23 Việt Nam chưa bao giờ rơi vào cảnh khủng hoảng về nhân sự. Dù dùng đội hình nào thì cách vận hành chiến thuật cũng không hề thay đổi. Đội bóng vẫn tuân thủ tốt lối chơi, thậm chí, đội hình hai còn thể hiện khát khao chiến đấu lớn hơn đội hình một.

HLV Park Hang Seo đang cố xây dựng cho mình nhiều phương án về chuyên môn trong hành trình dài phía trước. Nhà cầm quân này hiểu rằng, muốn đi xa, hơn ai hết U23 Việt Nam phải có được sự đa dạng và thiện chiến về lối chơi. Điều này khác hẳn một số người tiền nhiệm khi chỉ quan tâm đến đội hình chính thức mà không nghĩ đến những phương án dự phòng. Thời còn cầm quân, ông A.Riedl xây dựng đội tuyển dựa trên các cầu thủ Thể Công hoặc SLNA. Trong khi đó, tại SEA Games trước, HLV Nguyễn Hữu Thắng lấy cách vận hành của HAGL cơ sở để xây dựng hệ thống chiến thuật của mình. Hệ quả là hai nhà cầm quân này không có phương án dự phòng khi lối chơi sở trường bị hóa giải và cuối cùng là thất bại thảm hại.

Vậy mới nói, các HLV đều muốn có được thành công khi nắm quyền. Nhưng, để hoàn thành được tâm nguyện thì cách dụng nhân sẽ quyết định tất cả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần