Theo dự thảo đề án, những đối tượng dự kiến đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, đề án đề xuất 2 phương án: Phương án 1, một số người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm bao gồm những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (49 người). Phương án 2, toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (430 người).
Nhiều thành viên UBTVQH tán thành phương án 1 về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời, đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm ở phạm vi Quốc hội đối với các chức danh từ Chủ nhiệm Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, các thành viên Chính phủ trở lên. Với các Phó chủ nhiệm các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, ủy viên thường trực của các Ủy ban của Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong phạm vi Ủy ban, sau đó báo cáo Quốc hội. Đồng thời, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được công bố công khai, minh bạch, để cán bộ đó xem lại việc làm của mình. Tần suất lấy phiếu tín nhiệm cũng là vấn đề được đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tờ trình. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị: Hiệu quả của công việc quản lý cần có thời gian mới thể hiện chính xác, nên 2 năm mới cần lấy phiếu tín nhiệm và 2 lần đạt tỷ lệ thấp thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.
Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên dành cơ hội cho cán bộ không đạt tỷ lệ tín nhiệm cần thiết phát huy "văn hóa từ chức" trước khi các vị này được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Liên quan đến nội dung phiếu tín nhiệm, dự thảo Đề án đề xuất có 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Các đại biểu cho rằng, việc lượng hóa mức độ tín nhiệm cao hay thấp là rất khó, thậm chí cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để đảm bảo đánh giá khách quan. Do đó, đề nghị chỉ nêu hai mức độ: tín nhiệm/không tín nhiệm. Đồng thời, đã có quy định bỏ phiếu tín nhiệm bất thường thì cũng cần phải có quy định về lấy phiếu tín nhiệm bất thường, không theo định kỳ…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Lấy phiếu tín nhiệm để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND về cán bộ; bỏ phiếu để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp nữa hay không. Bỏ phiếu thì quy trình chặt chẽ hơn, hậu quả nặng nề hơn. "Theo tôi, nên lấy phiếu tín nhiệm hàng năm để thăm dò xem những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu công tác thế nào để đánh giá, xem xét đưa sang bỏ phiếu tín nhiệm. Còn việc bỏ phiếu là tín nhiệm hay không tín nhiệm cán bộ, nếu không tín nhiệm phải trình ra Quốc hội để bãi miễn" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định.
Sau phiên họp này, Ban chỉ đạo Đề án sẽ tiếp thu hoàn chỉnh Đề án một bước và trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó chỉnh lý và trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tới.