Những năm gần đây, huyện Gia Lâm đã thực hiện thu hồi đất nông nghiệp để triển khai nhiều dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, nên đất canh tác đã giảm dần theo từng năm, nhưng số hộ làm nghề nông trên địa bàn không giảm. Vì thế, việc giải bài toán khó về việc làm và thu nhập cho hội viên nông dân đã được các cấp Hội Nông dân huyện đặt lên hàng đầu. Nhiều ý tưởng tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo đã được triển khai, từng bước tháo gỡ khó khăn cho hội viên.
Tại thời điểm này, Hội Nông dân huyện Gia Lâm có 35.000 cán bộ, hội viên sinh hoạt tại 139 chi hội các thôn, tổ dân phố, cụm dân cư và 9 chi hội nghề nghiệp. Để hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế mang tính thiết thực, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo 100% cơ sở hội nông dân các xã, thị trấn hướng mạnh vào hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đi đôi với khai thác nhiều nguồn vốn cho hội viên vay để phát triển kinh tế hộ phù hợp với đặc thù và thế mạnh của từng vùng, từng hộ theo đúng phương châm 4 cao: "Năng suất cao, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao và sức cạnh trạnh cao".
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nông dân thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Khánh Nguyên
5 năm qua, toàn Hội đã tổ chức 256 buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị đầu bờ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Hội đã tổ chức trên 1.100 buổi tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăm bón cây trồng, vật nuôi cho 113.900 lượt hội viên; đã phối hợp mở 84 lớp dạy nghề nông ngắn hạn cho 2.524 hội viên; tổ chức cho hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và tuyên truyền viên tiêu biểu đi tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi ở các vùng, miền để tuyên truyền, vận động nhiều hộ trên địa bàn cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân huyện Gia Lâm còn linh hoạt khai thác nội lực, vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân được gần 5 tỷ đồng cho hội viên nghèo và cận nghèo vay. Đồng thời đã khai thác được trên 57 tỷ đồng từ Quỹ tín dụng nhân dân và các ngân hàng giúp 5.773 lượt hộ có vốn để sản xuất, kinh doanh. Hội Nông dân các xã còn giúp hội viên mua gần 3.000 tấn phân lân các loại theo phương thức trả chậm và tổ chức bàn giao gần 3.000 con bò cho hội viên nghèo và nông dân thiếu vốn để chăn nuôi tăng thu nhập.
Sự hỗ trợ kịp thời và tích cực trên của tổ chức Hội Nông dân trong huyện đã tạo tiền đề và thuận lợi cơ bản để cán bộ, hội viên nông dân nắm bắt kịp thời thời cơ, cơ hội để phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Trên địa bàn huyện đang thực hiện 224 mô hình kinh tế và phương án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt giá trị từ 150 - 350 triệu đồng/ha. Điển hình, mô hình trồng rau theo quy trình an toàn với tổng diện tích trên 500ha ở xã Văn Đức, Đặng Xá, Yên Viên, Yên Thường, Lệ Chi; Mô hình cây giống ở thị trấn Trâu Quỳ, Yên Thường; Mô hình vườn đồng ở xã Đa Tốn, Kim Lan, Đông Dư; Mô hình nuôi từ 1.700 đến 2.000 con bò thịt ở Lệ Chi, Văn Đức, hay mô hình nuôi bò sữa quy mô vừa và lớn ở Phù Đổng, Dương Hà, Trung Màu... Điều ghi nhận là, hầu hết các mô hình kinh tế trên đều được đánh giá có tính bền vững, vì ngoài đạt hiệu quả kinh tế cao còn đảm bảo được yếu tố bảo vệ môi trường sống.