Theo quan niệm xưa, con người là một phần của thiên nhiên, thiên - địa - nhân không tách rời. Đã có một thời, con người muốn vượt lên đã làm chủ thiên nhiên, cải tạo, bắt thiên nhiên phục vụ theo ý mình. Điều này thể hiện ở mọi lĩnh vực. Ngày nay, con người mới nhận ra rằng, người và thiên nhiên trời đất không thể tách rời, thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Những lý do để từ bỏ cái cũ…
Ông Youngsang Cho, người Hàn Quốc, vừa là một nông dân, vừa là một nhà phát minh trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho rằng: Ở thế giới sản xuất nông nghiệp hiện nay, nông dân là những người làm giàu cho giới kinh doanh, sản xuất máy móc, vật liệu nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật.
Lợi nhuận lẽ ra là của nông dân nhưng lại vào túi của những người này. Công nghệ nông nghiệp tồn tại vì lợi nhuận cho các công ty nông nghiệp. Hầu hết nông dân phá sản vì họ không đủ khả năng chi trả cho chi phí nông nghiệp. Đây là lý do đầu tiên, dễ thấy để nông dân tìm cách sản xuất mới, gọi là “Sản xuất chi phí siêu thấp”.
Bên cạnh đó, như đã nói, nền nông nghiệp hóa chất vô cơ ngày càng bộc lộ những tác dụng phụ. Lạm dụng hóa chất, rau quả trở nên thứ độc hại cho người ăn. Ngay cả đất, nguồn nước cũng bị nhiễm độc; đất ngày càng cằn cỗi, khó tính…
Phần lớn các chất thải sinh hoạt, những loại rác thải nông nghiệp bị vứt bừa bãi ra môi trường, tồn đọng tại kênh, mương, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân cũng như gia tăng gánh nặng bệnh tật.
Theo báo cáo của một số tổ chức, một trong các nguồn gây ô nhiễm nước lớn nhất hiện nay là nông nghiệp. Do hiện tượng thấm nước mà dư lượng những loại thuốc trừ sâu cũng như phân bón ở các vùng sản xuất nông nghiệp có thể gây ô nhiễm nước ngầm và đất.
Đây là lý do nữa để từ bỏ lối canh tác cũ và tìm đến cách ứng xử với đất đai, tự nhiên thân thiện hơn: Canh tác hữu cơ.
Một lý do nữa, theo tiến sĩ Hari Nath ở Chennai, Ấn Độ trên Humans Who Grow Food, canh tác hữu cơ cho ra thứ nông sản, trong đó có dược liệu sạch giúp bảo vệ sức khỏe con người, giúp họ không phải tốn tiền cho những thứ hóa dược phẩm đắt đỏ.
Ông cho biết: Nguyên nhân gốc rễ của tất cả các bệnh của con người hiện nay là do chất lượng các loại thực phẩm chúng ta ăn cũng như cách mà chúng ta đang sống. Ông chia sẻ: Ông đã chữa lành bệnh cho mẹ ông căn bệnh đau khớp mãn tính không khỏi dù đã uống nhiều loại thuốc, bằng cách cho mẹ dùng nông sản sạch và đặc biệt là thảo dược.
Ở Hàn Quốc, chuyên gia Youngsang Cho đã tìm ra phương pháp canh tác mới gọi là phương pháp: Sản xuất hữu cơ với chi phí siêu thấp. Phương pháp canh tác này không dùng máy móc công nghiệp, không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa chất. Ông dùng các công cụ lao động thủ công như cuốc xẻng, làm dung dịch phân bón thuốc trừ sâu từ nguyên liệu xanh.
Ông Cho có 1,5 mẫu đất ở Hàn Quốc canh tác theo lối hữu cơ. Ông nói: “Tôi chủ yếu trồng ớt, ngoài ra còn trồng thêm 60 loại cây khác. Tôi đã chứng minh được rằng hầu hết các loại cây trồng đều có thể phát triển thành công theo cách hữu cơ”.
Vườn của ông được bón bằng một loại phân vi sinh làm từ khoai tây luộc, muối biển và đất có lẫn lá cây ở vùng núi gần nhà. Quanh vườn trồng một loại vải cảnh nhằm giữ ẩm, ngăn chặn cỏ dại, giữ nhiệt độ của đất.
Hứa hẹn một phong trào mới
Mới đây, tỉnh Lâm Đồng có phong trào… phá bỏ nhà cây. Phong trào làm nhà kính để trồng rau phát triển ở tỉnh này khoảng hai chục năm nay. Nó có ưu điểm là ngăn chặn bớt sâu bệnh, giảm vào ảnh hưởng thời tiết. Nhưng như một nông dân vừa phá bỏ nhà kính để trồng ra quả theo lối tự nhiên cho biết, làm việc trong nhà kính nồng nặc hóa chất rất khó chịu. Nhà lính khiến mảng xanh thu hẹp, không khí nóng lên, nước mưa cũng chậm ngấm vào đất gây ngập úng cục bộ.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có hơn 4.500ha nhà kính, 1.200ha nhà lưới. Trong đó, TP Đà Lạt có khoảng 2.800ha nhà kính, bao gồm 1.244ha rau và 1.590ha hoa. Một chuyên gia nông nghiệp cho rằng, phát triển nhà kính ồ ạt ở Đà Lạt, làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, tác động xấu tới môi trường.
Việc Đà Lạt ngập, sạt lở một phần cũng do nhà kính bịt kín đất đai, chặn lối thoát nước tự nhiên. Sai lầm lớn nhất của con người là can thiệp quá nhiều vào thiên nhiên nên gây ra các hệ lụy thiên tai, sạt lở, lũ lụt. Canh tác nông nghiệp hữu cơ theo hướng tự nhiên là ý tưởng rất tốt và thân thiện với môi trường Đà Lạt, cần tuyên truyền cho người dân hiểu để nhân rộng mô hình này.
Không chỉ ở Lâm Đồng, nhiều nơi trong nước đã bắt đầu tìm về lối canh tác hữu cơ. Tuy nhiên, hiện ý thức chọn lựa dùng hóa chất vô cơ trong phân bón thuốc bảo vệ thực vật vẫn hiển hiện, lấn át với những quan niệm canh tác hữu cơ. Nhiều người còn lẫn lộn giữa sản xuất hữu cơ và sản xuất sạch.
Canh tác hữu cơ hầu như rất ít tác động đến nguồn đất và để các sinh vật sống trong đất phát triển tự nhiên, có hệ sinh thái nuôi dưỡng cây. Trong một lần gặp gỡ cựu CEO Ô tô trường Hải Trần Bá Cương tại vùng rừng núi Nam Trà My, Quảng Nam, ông Cương cho hay, người dân vùng trồng sâm ở Nam Mỹ trồng 1 vụ sâm xong là đi trồng ở vùng đất khác. Sau 6 năm, họ mới quay lại vùng đất cũ để trồng, như vậy đất tự thiết lập lại hệ sinh thái có ích cho cây trồng.
Trước đó, chúng tôi cũng có trao đổi với vị cựu CEO Trường Hải rằng, đó là điều đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã làm, họ luân canh, làm 1 - 2 mùa rẫy rồi quay lại làm rẫy cũ, nên thực chất họ bảo vệ được sự giàu có dinh dưỡng, sự cân bằng sinh thái. Đây cũng là điều ông Cương muốn lưu ý cho người trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My.
Khi chạy đua về sản lượng nông nghiệp, chúng ta có khi bỏ qua chất lượng và lạm dụng hóa chất độc hại. Nhưng xu hướng canh tác hữu cơ (xin nhắc lại là khác với canh tác sạch kiểu VietGAP) đang ngày càng có xu hướng phổ biến.
Trên thế giới, nhiều nước đang cố đưa canh tác hữu cơ là chủ đạo cho nền nông nghiệp. Chuyên gia Youngsang Cho trong một bài thuyết trình của mình cho biết: Nga đã có diện tích canh tác hữu cơ rộng lớn và đang muốn là nơi cung cấp nông sản hữu cơ cho toàn thế giới; Trung Quốc cũng đang hướng tới nền nông nghiệp không dùng hóa chất; Bhutan hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn vào năm 2020…
Việt Nam cũng sẽ là đất nước dùng nông nghiệp hữu cơ dần thay thế cho lối canh tác phụ thuộc vào hóa chất, máy móc công nghiệp. Cứ tin như vậy.
Thực ra, lối canh tác hữu cơ đã có từ xa xưa, khi chưa có… phân bón và thuốc trừ sâu hóa chất vô cơ. Tuy nhiên, canh tác hữu cơ ngày nay không chỉ hướng vào tự nhiên mà còn am hiểu về tự nhiên hơn nữa, như cách quản lý nguồn đất, nước… sao cho đảm bảo bền vững và an toàn; phân bón hữu cơ nhưng sạch hơn qua xử lý ban đầu. |