Đó là nội dung đáng chú ý tại dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ. Nghị định cũng quy định, trong thời hạn trên, nếu có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội, bên mua chỉ được bán lại cho Nhà nước, cho chủ đầu tư hay cho đối tượng được mua nhà ở xã hội. Giá bán lại không cao hơn mức giá nhà ở xã hội cùng loại tại thời điểm bán nhà.
Ảnh minh họa.
Theo Nghị định 71 đối tượng được mua, được thuê, được thuê mua nhà ở xã hội là: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân làm việc tại khu công nghiệp; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; học sinh, sinh viên từ trung cấp đến đại học và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, các đối tượng trên phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất dưới mọi hình thức hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2/người hoặc là nhà tạm bợ hư hỏng, dột nát; có mức thu nhập bình quân hằng tháng của hộ gia đình dưới mức thu nhập bình quân của địa phương; người mua, thuê mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương; đối với trường hợp thuê mua (trả góp) phải có khả năng thanh toán lần đầu 20% giá trị căn nhà... Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhà ở xã hội chưa thực sự được người tiêu dùng mặn mà. Bởi theo lý giải của ông, nhà ở xã hội tuy giá thành rẻ, diện tích nhỏ nhưng lại có quy định ràng buộc kể cả nộp tiền đủ 100% cũng không được mua bán, giao dịch trong vòng 5 năm, trong khi nhà ở thương mại dù người ta mua đắt nhưng nhu cầu, định vị trong xã hội thì dù rẻ người ta cũng không ở.