Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trông đợi những cải cách quyết liệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chậm chạp, thiếu giám sát hiệu quả… đang gây ra nhiều mối lo ngại cho các chuyên gia trong và ngoài nước. Các DN đang trông đợi những cải cách thực tiễn hơn từ phía Nhà nước…

Đang đi… lùi

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2013 khai mạc sáng 3/12 tại Hà Nội, ông Trần Anh Đức - Nhóm Công tác đầu tư và thương mại VBF cho biết, tốc độ CPH DNNN đã giảm mạnh trong những năm vừa qua: Từ hơn 800 DN được CPH trong năm 2004 - 2005 đã giảm xuống còn 13 DN vào năm 2012. Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về tiến độ CPH trong các năm tiếp theo và dấy lên nhiều quan ngại về nguy cơ dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp. Không chỉ giảm về số lượng, các chuyên gia còn lo ngại về tình trạng DNNN đã được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty CP với việc Nhà nước nắm giữ CP chi phối nhưng lại chưa có các quy chế quản trị và giám sát đặc thù.

Ông Steven Winkelman - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) bày tỏ lo ngại, mặc dù Việt Nam đã dần chuyển sang nền kinh tế thị trường từ năm 1986, nhưng khu vực DNNN vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. "Đáng tiếc là khu vực DN này chưa bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế" - ông Simon Andrew - Giám đốc khu vực của IFC tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào đánh giá.
 
Cần có một cơ chế giám sát hiệu quả hơn nữa đối với các doanh nghiệp Nhà nước .
Cần có một cơ chế giám sát hiệu quả hơn nữa đối với các doanh nghiệp Nhà nước .

Ở góc độ khác, ông Dominic Scriven - Trưởng nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ tỷ lệ vốn lớn ở nhiều công ty thuộc những ngành nghề không phải là nhạy cảm, chẳng hạn ngành hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón. Đã đến lúc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán CP Nhà nước trong các công ty CP thuộc diện không nhạy cảm. Đại diện Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị, trước mắt có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%, sau đó có thể giảm xuống thêm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quá trình CPH các công ty 100% vốn Nhà nước cũng như rà soát để giảm bớt danh sách ngành nhạy cảm.

Thiếu cơ chế giám sát hiệu quả

Đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, năm qua, Chính phủ đã thành công trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, với việc đưa lãi suất xuống mức thấp giúp nhiều DN tiếp cận được vốn ngân hàng. "Cộng đồng DN cũng cảm thấy được khích lệ khi hạ tầng cơ sở được đầu tư, nhiều hiệp định quốc tế đang được đàm phán và Chính phủ kiên định điều chỉnh giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, với lần đầu tiên hiến định vai trò của DN" -  ông Lộc chia sẻ. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những DN chưa tiếp cận được với chính sách miễn, giảm thuế. Nhiều chính sách được ban hành chưa đồng bộ… Theo đại diện VCCI, các DN đang cần những cải cách mang tính thực tiễn hơn. Trong đó, đẩy nhanh cải cách DNNN và cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là những giải pháp hàng đầu.

Đồng quan điểm, đại diện Amcham cho biết: "Các thành viên của chúng tôi muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống quản lý Nhà nước, điều mà rất nhiều nhà phân tích coi là nguyên nhân căn bản của những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay".Không chỉ trông đợi Chính phủ đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN, các DN và chuyên gia còn kiến nghị cần có một cơ chế giám sát hiệu quả hơn nữa đối với DNNN. Theo đó, Chính phủ có thể xem xét việc huy động công chúng tham gia giám sát thông qua yêu cầu phải minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của DNNN, đồng thời ban hành quy chế công bố thông tin về hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, ý kiến đóng góp của các đại biểu, các hiệp hội và các tổ chức rất quý giá, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam nhanh hơn trong tiến trình hội nhập. Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành đồng bộ và hiệu quả các chính sách kinh tế, chính sách tài khóa và nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

 
“12 tháng qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm cải cách, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực thi việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong khu vực Nhà nước…”.

Ông Simon AndrewGiám đốc khu vực của IFC tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào