Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trông giữ xe trong trường học: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc trông giữ xe trong trường học ở Hà Nội không phải là chuyện mới, nhưng sau sự việc một học sinh (HS) lớp 2 Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) bị gãy chân do nghi va chạm với ô tô di chuyển trong sân trường vào giờ ra chơi khiến phụ huynh lo ngại vì nguy cơ mất an toàn cho HS.

Nguy cơ tai nạn
Việc đi và cho gửi ô tô trong sân trường là một trong những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đối với HS. Còn nhớ cách đây 3 năm, tại trường THCS Ba Đình, xe ô tô mất lái trong khuôn viên trường dù không gây thiệt hại về người nhưng phụ huynh thì không khỏi lo lắng về sự an toàn và môi trường học tập của con em mình. Và mới đây, HS lớp 2 trường Tiểu học Nam Trung Yên bị gãy chân - sự việc vẫn chưa có hồi kết, lại càng khiến phụ huynh bức xúc với việc một số trường tổ chức cho gửi ô tô trong sân trường.

Trông giữ xe tại trường Tiểu học Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm tháng 2/2016. Ảnh: Ngọc Nguyễn

Anh Nguyễn Văn Vọng - phụ huynh HS trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) cho rằng, bức xúc của phụ huynh không hẳn liên quan đến vấn đề kinh phí nhà trường thu được từ việc trông giữ xe, mà là việc không bảo đảm an toàn có thể xảy ra nếu ô tô di chuyển không đúng quy định, hoặc ảnh hưởng đến không gian hoạt động của HS tại trường. Đây cũng là lo lắng chung của hầu hết phụ huynh có con đang học trong các nhà trường.
Một phụ huynh có con học tại trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) cho rằng, việc các nhà trường nhận trông giữ ô tô đã ảnh hưởng không ít đến môi trường học tập, vui chơi của HS. “Trước đây, thỉnh thoảng đi học về, cậu con trai phàn nàn “thót cả tim" vì đá bóng phải kính ô tô, may không vỡ. Sân chơi của HS mà trường cứ cho ô tô đỗ” - phụ huynh này chia sẻ. Dù thời gian gần đây, ô tô đỗ trong sân trường không nhiều như trước, nhưng sáng sớm và chiều tối vẫn có vài xe đỗ trước sân trường. "Theo tôi, các trường nên quán triệt không nhận trông giữ xe trong trường, vừa để đảm bảo an toàn cho HS, vừa để HS có nơi vui chơi, giải trí thoải mái sau mỗi giờ học” – phụ huynh này kiến nghị.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, ngành giáo dục không có văn bản quy định việc trông giữ ô tô trong trường học. Theo quy định chung, các đơn vị sự nghiệp công lập không được dùng tài sản để cho thuê mượn, vì vậy, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo ngành là nghiêm cấm các trường học công lập cho thuê mượn địa điểm, sử dụng vào mục đích kinh doanh, sản xuất... Tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT là không cho phép các đơn vị tổ chức trông giữ xe tại trường. Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm, hiệu trưởng nhà trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quy định rõ 3 mức phạt đối với tổ chức có hành vi sử dụng tài sản Nhà nước vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh. Trong đó, mức phạt áp dụng với trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp là cao nhất, lên đến 20 triệu đồng.
Nghiêm cấm di chuyển xe trong giờ học
Sau sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn TP đã rà soát lại công tác bảo đảm an toàn cho HS, hạn chế tối đa những nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của HS tại trường như đồ dùng, lan can, cầu thang, trong đó có cả việc phân luồng giao thông, trông giữ xe máy, ô tô tại trường…
Tại Trường Tiểu học Kim Liên, bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học trước, trường có nhận trông giữ gần 20 ô tô của người dân có nhà lân cận trường. Tuy nhiên, sau khi có yêu cầu của UBND quận (tháng 5/2016) nghiêm cấm các nhà trường trông giữ xe, trường đã thực hiện nghiêm túc. Hiện tại, trường có 4 ô tô của giáo viên (GV) hàng ngày đến trường, điểm đỗ xe cho cán bộ, GV trường đều có quy định rõ ràng. "Để bảo đảm an toàn cho HS, chúng tôi đã yêu cầu GV có ô tô phải đi làm sớm, về muộn hơn HS. Bên cạnh đó, yêu cầu tổ bảo vệ hỗ trợ GV di chuyển xe ra, vào trường nhằm giữ an toàn nhất cho HS” – bà Mai khẳng định.
Được biết, sau sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, UBND quận Cầu Giấy đã họp rút kinh nghiệm với Phòng GD&ĐT quận, đồng thời ký ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học. Yêu cầu Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ, nghiêm cấm ô tô, xe máy… đi vào sân trường trong giờ học. Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, Phòng đã tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ các trường học về việc thực hiện quy định này. Yêu cầu bắt buộc với các nhà trường là trong giờ học tuyệt đối không để xe máy, ô tô di chuyển trong sân trường; ngoài xe của cán bộ, GV và khách, tại trường không được để xe lạ. Tổ công tác đã ghi lại biển số xe của cán bộ, GV nhằm kiểm soát xe không nằm trong quy định. Khu vực để xe phải có hàng rào ngăn cách để không ảnh hưởng đến không gian hoạt động, vui chơi của HS…
Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, hiện vụ việc học sinh bị gãy chân tại trường Tiểu học Nam Trung Yên đã được chuyển lên Công an TP để điều tra. Sau khi có kết luận của công an, đây sẽ là căn cứ để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật.