Một trong những điển hình đó là mô hình trồng hoa công nghệ cao (CNC) trong nhà kính của HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ.
Đưa công nghệ vào sản xuất
Thụy Hương là một xã thuần nông của huyện Chương Mỹ, với diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp là 394,69ha (chiếm 76,4% tổng quỹ đất tự nhiên toàn xã). Những loại cây trồng chủ yếu của địa phương như lúa, rau màu, cây ăn quả… với hình thức canh tác truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, quá trình sản xuất vẫn chịu khá nhiều rủi ro bởi thiên tai. Để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đời sống của người nông dân, chính quyền xã Thụy Hương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua đó đã thành lập được 3 HTX nông nghiệp dựa trên sự tự nguyện của Nhân dân.
Trong đó, HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương là điểm sáng trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất. Chủ nhiệm HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm cho biết, sau 5 năm trồng một số loại hoa trong nhà kính, nhà lưới cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện nay, HTX trồng 3 loại hoa chính là lan rừng, lan hồ điệp và hoa lyly. Tất cả đều được trồng trong nhà kính, nhà lưới và được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động. Riêng đối với khu vực nuôi trồng lan hồ điệp được đầu tư nhà lưới hiện đại, có hệ thống điều khiển tự động cho quạt hút gió, hạ được nhiệt độ vào mùa Hè và tăng nhiệt độ vào mùa Đông.
Anh Nguyễn Như Ngọc, công nhân kỹ thuật chuyên chăm sóc lan hồ điệp cho biết, lan hồ điệp thuộc dòng lan quý của vùng nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng và phát triển là 28 – 300C. Cây thường không ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng với công nghệ hiện đại người trồng hoàn toàn có thể điều chỉnh cây ra hoa theo ý muốn của mình. Theo đó bắt đầu từ tháng 8 Âm lịch, người trồng hoa sẽ xử lý mầm hoa bằng cách đưa những cây có độ tuổi từ 18 tháng vào phòng kích mầm, có nhiệt độ từ 15 – 250C, độ ẩm từ 75 – 80%. Với phương pháp này người trồng có thể điều chỉnh cây ra hoa vào đúng dịp Tết, tỷ lệ ra hoa cũng rất đều, chất lượng mầm hoa cũng được đảm bảo.
Việc trồng hoa trong nhà kính, nhà lưới để sản xuất giống hoa thương phẩm đã làm thay đổi cả phương thức sản xuất truyền thống, đem lại sự đa dạng về chủng loại và tăng chất lượng, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Sản xuất theo phương pháp này có thể khắc phục được sự bất thuận của thời tiết, nên có độ an toàn và tránh được rủi ro rất cao. Nhờ đó, có thể trồng hoa quanh năm, chủ động được điều tiết sinh trưởng, phát triển, điều chỉnh cây ra hoa theo ý muốn và tạo cho hoa nở một cách đồng đều. Ngoài ra, còn giảm được chi phí công lao động như làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh. Mặt khác, cũng giảm được rất nhiều chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới so với trồng hoa truyền thống.
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Năm cho biết, việc ứng dụng CNC vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất hoa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu như chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì 1ha hoa có thể đạt 3 tỷ đồng/năm, trừ mọi chi phí sẽ có lợi nhuận 400 – 500 triệu đồng/năm. Năm 2014, doanh thu của HTX Thụy Hương đạt gần 4 tỷ đồng, theo kế hoạch năm 2015, HTX sẽ xuất ra thị trường khoảng 4 vạn cây lan hồ điệp, 45.000 cây hoa lyly và hàng ngàn giỏ lan rừng. “Hiện nay, 70% số lan dự kiến bán trong dịp Tết của HTX đã báo mầm hoa, đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho những người trồng hoa” - ông Năm cho biết thêm.
Tại thời điểm này, mỗi năm HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương xuất ra thị trường hàng vạn cây hoa các loại. Chia lợi nhuận, bình quân mỗi xã viên HTX thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài mang lại lợi ích cho xã viên, HTX còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng tùy theo mức độ yêu cầu về kỹ thuật. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng, nhu cầu các loại hoa cao cấp tăng nhanh, hoa ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống con người. Tuy nhiên, lượng hoa sản xuất ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt là những loại hoa cao cấp. Chính vì vậy, tiềm năng về thị trường của sản phẩm này là rất lớn, việc chuyển đổi từ cây trồng truyền thống sang trồng hoa CNC là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn của xã Thụy Hương.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là một giải pháp quan trọng, một hướng đi đúng để tạo ra sự chuyển đổi căn bản của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tạo ra hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là đáp ứng kịp thời các yêu cầu của sản xuất hàng hóa trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Đồng thời, là cơ sở cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.
Ông Nguyễn Duy Năm - Chủ nhiệm HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương đang kiểm tra vườn lan hồ điệp. Ảnh: Nguyễn Nga
|
Công nhân đang sang bầu cho lan hồ điệp được trồng trong nhà kính HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương. Ảnh: Nguyễn Nga
|