Loại cây nhiều ưu điểm Chuyên gia sinh học - nông nghiệp, TS Nguyễn Lân Hùng cho biết: “Phượng vĩ không những không nằm trong danh mục cây cấm trồng hay hạn chế trồng mà ngược lại còn được coi là rất phù hợp với đô thị Hà Nội”. TS Nguyễn Lân Hùng giải thích thêm, phượng vĩ có 3 ưu điểm: Thứ nhất, lá nhỏ, tán mỏng nên ít chịu tác động của gió bão, hạn chế tối đa hiện tượng gãy, đổ khi có thiên tai. Thứ hai, là loại cây thấp, trồng trên dải phân cách giữa sẽ không cao hơn hàng cây 2 bên đường, đảm bảo cân đối cấu trúc cảnh quan. Thứ ba, phượng vĩ cho hoa rất đẹp, mùa lạnh cũng tốt lá, xanh rì, đảm bảo mỹ quan trong mọi thời điểm. Dẫn chứng các TP: Hải Phòng, Vũng Tàu… là những nơi trồng rất nhiều Phượng vĩ từ hàng thập kỷ qua, thậm chí phượng vĩ còn là biểu tượng của TP Hải Phòng, TS Hùng nói: “Các TP ven biển, gió lộng quanh năm còn trồng được nữa là Hà Nội”.
Thời gian gần đây, trong dư luận xã hội nổi lên một số ý kiến trái chiều về độ bền vững của phượng vĩ. TS Nguyễn Lân Hùng nhận định: “Rất nhiều người nhầm lẫn giữa Lim xẹt (hay còn gọi là Muồng) và phượng vĩ do lá nhỏ, bầu giống nhau, dáng cây cũng tương tự. Mà Lim xẹt đúng là một loại cây thân yếu, cành ròn, dễ gãy đổ. Còn phượng vĩ rất bền, dẻo dai, tán lan đến đâu, rễ lan đến đấy nên cây rất chắc chắn, hạn chế tối đa gãy đổ”. TS Hùng cho rằng, nhiều người dân chưa hiểu đúng sự việc. Thực tế, từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã trồng Phượng vĩ trên các dải phân cách giữa của một số tuyến đường của Hà Nội như: Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Tri Phương… Cây đã tồn tại đến ngày nay, qua kiểm chứng thực tế, tuyệt đối phù hợp với đô thị Hà Nội. Đảm bảo quy trình chặt chẽ Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh trao đổi: “Để trồng lên một hàng cây không hề đơn giản, chúng tôi phải đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình một cách chặt chẽ, bài bản”. Đầu tiên phải khảo sát, vẽ sơ họa, báo cáo Thành ủy, UBND TP, được phê duyệt rồi mới thực hiện ươm, trồng trên thực địa. Hạng mục trồng phượng vĩ trên dải phân cách giữa một số tuyến đường nằm trong chương trình mục tiêu trồng một triệu cây xanh cho Hà Nội; phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ lệ cây xanh của Thủ đô từ 7m2/người lên 9m2/người. Hiện đã có hơn 300 cây phượng vĩ được trồng trên dải phân cách giữa các tuyến đường: Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Trần Khát Chân… Các cây đều giãn cách nhau từ 5 - 7m, đúng theo quy chuẩn kỹ thuật. Mỗi gốc cây, trong quá trình “hạ thổ”, nếu vướng công trình ngầm đều được tính toán xê dịch hợp lý, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến cáp, ống hay bất kỳ chi tiết kỹ thuật nào. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hưng thông tin thêm: “Hiện chúng tôi đã được trang bị hệ thống thiết bị, máy móc phục vụ cắt tỉa cây xanh vào loại hiện đại nhất thế giới, đủ sức đáp ứng yêu cầu cắt tỉa cây xanh theo từng tháng”. Trước đây, do thiếu điều kiện vật chất, trang thiết bị, cây xanh thường chỉ được cắt tỉa trước khi bước vào mùa mưa bão. Nay, lực lượng chăm sóc cây xanh đã có thể cắt sửa tán, tỉa lá tạo vẻ đẹp đồng đều và đảm bảo an toàn cho cây xanh cũng như ngăn ngừa sớm các nguy cơ gãy đổ cây do tự nhiên. “Do đó, người dân không cần lo lắng đến chuyện cây có tán rộng, to sẽ gây mất mỹ quan, cản trở tầm nhìn hay tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ nữa” - ông Hưng nói. Tất cả vì một Hà Nội xanh Ông Nguyễn Xuân Hưng tiết lộ, hiện nay ngoài các loại thang nâng cơ khí đáp ứng cao độ cắt tỉa từ 16 - 32m, chúng tôi còn có các máy nghiền cành, xay cành lá thành mùn, đưa ngược trở lại vườn ươm để tạo thành phân vi sinh bón cây. Thành ủy, UBND mà trực tiếp là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung luôn sát sao công tác trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh từng ngày, từng giờ. Chúng tôi được giao thực hiện 4 nhiệm vụ lớn trong giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm: Trồng thêm một triệu cây tại bất cứ nơi nào đủ điều kiện để phủ xanh Hà Nội; thường xuyên cắt tỉa, đảm bảo tổng thể đồng bộ, đạt tiêu chuẩn mỹ quan đô thị cho hệ thống cây xanh; phát triển các vườn ươm theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng thêm 25 công viên, trong đó ít nhất phải có 5 công viên đạt chuẩn quốc tế. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh đang từng ngày chuyên nghiệp hóa, nâng cao trình độ, tay nghề. Không chỉ việc trồng cây trên dải phân cách giữa một số tuyến phố mà toàn bộ quy trình trồng cây trên thực địa của công nhân đều phải làm vào buổi đêm và kết thúc trước 5 giờ sáng. “Dù anh chị em công nhân rất vất vả, khó nhọc, lãnh đạo Công ty cũng “ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà” nhưng bù lại việc trồng, cắt sửa cây không gây ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại. Buổi sáng khi người dân TP thức giấc tất cả các khu vực trồng cây trong đêm đều đã sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Hưng nói. Có thể nói, chưa bao giờ công tác trồng mới, cắt sửa cây xanh lại được Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm chặt chẽ, sát sao như giai đoạn này. Chỉ khoảng một năm nữa, khi nhiều tuyến đường được phủ xanh cả hai bên hè lẫn giữa tâm đường, bóng mát, vẻ đẹp ấy sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất cho mỗi người dân Thủ đô.
Hàng phượng vĩ trồng trên dải phân cách giữa đường Xã Đàn. Ảnh: Ngọc Hải |