Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/1.
Sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi
Trong năm 2013 mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi, chỉ số công nghiệp tăng 5,9%, cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2012. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo giảm dần qua các tháng, tính đến tháng 12/2013, chỉ số tồn kho chỉ tăng 10,2%, đây là mức tồn kho được đánh giá là phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay...
Mặc dù ngành công nghiệp đã đạt được một số thành công nhất định nhưng thực tế cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn tập trung vào sản xuất gia công, đầu tư theo bề rộng là chủ yếu. Điều đó dẫn đến tình trạng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp thấp, giá trị gia tăng công nghiệp chỉ đạt 6%, trong khi kế hoạch đề ra là 7,2 - 7,7%.
Đối với hoạt động xuất - nhập khẩu, trong năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012. Năm 2013 Việt Nam tiếp tục xuất siêu 863 triệu USD.
Tuy nhiên, cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến góp vai trò quan trọng trong việc kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng.
Tăng quản lý Nhà nước trong sản xuất
Bộ Công Thương dự kiến trong năm 2014 - 2015, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân khoảng 6,1 - 6,3%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 10%/năm, nhập siêu duy trì ở mức dưới 6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 14%.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Ngành công thương sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững mức cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cũng như bình ổn thị trường, quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ.
Để hỗ trợ các DN trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đại diện UBND TP Hà Nội và nhiều đại biểu có chung kiến nghị: Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp cho các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ đó ngăn chặn tình trạng nhập khẩu kém chất lượng; Thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, nhất là với nhóm các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước sản xuất được với chất lượng bảo đảm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường quản lý Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ này, việc tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đó là cách hỗ trợ DN thiết thực và hiệu quả nhất.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì khai thác tốt nhất các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tập trung đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, bên cạnh việc bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như than, xăng dầu, công khai minh bạch yếu tố hình thành giá... thực hiện việc kiểm soát giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng lậu, làm lành mạnh hóa thị trường nhiệm vụ cấp thiết hiện nay đòi hỏi ngành công thương vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu năm này.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Văn Phúc
|