Chỉ đến khi tuột mất, mới thấy rằng hạnh phúc không phải là thứ vĩnh cửu, mà phải cất công xây dựng và nuôi dưỡng.
Cái giá của sự thờ ơ
Cuộc sống càng phát triển, tỷ lệ ly hôn lại càng nhiều hơn. Nhiều người lý giải, trong cuộc sống hiện đại, con người quá đề cao cái tôi, ít quan tâm đến những điều xung quanh. Và như một sự vô tình, nhiều người còn quên luôn việc quan tâm đến những người gần gũi bên mình là vợ hoặc chồng. Câu chuyện của một người đàn ông khiến những người nghe phải suy ngẫm về cái gọi là hạnh phúc. Anh kể: “Ngày vợ tôi đề nghị ly hôn, dù nguyên nhân đưa ra rất chung chung là “không hợp nhau”. Nhưng vì tự ái và vì thái độ lạnh lùng của vợ, tôi đã không níu kéo, dù trong lòng cũng thấy có gì đó chuếnh choáng. Rồi khi trở lại cuộc sống độc thân. Phải nói rằng lúc đầu tôi khá thoải mái dù luôn ở trạng thái lơ lửng, chẳng biết mình vui hay buồn. Thỉnh thoảng, tôi cũng hơi hụt hẫng khi mỗi sáng thức dậy thấy căn phòng trống trải, nhớ giọng nói của con, nhớ cảm giác quen thuộc của gia đình. Và tôi bắt đầu dành thời gian để lo những việc tủn mủn cho bản thân. Cũng không bận rộn, không vội vã, nhưng vẫn ở trạng thái lửng lơ, không biết buồn hay vui”.
Rồi những ngày “mới mẻ” sau ly hôn cũng qua đi. Anh bắt đầu sống chậm lại và bỗng giật mình tự hỏi. Dường như trước nay mình chưa từng bao giờ dừng lại để nhìn, để suy xét thì phải. Anh ngỡ ngàng nhận ra mình đã không hiểu thêm gì nhiều về người phụ nữ bao năm sống bên cạnh. Sau khi kết hôn, rồi sinh con, cô ấy vui gì, buồn gì, bận rộn gì, gặp chuyện khó khăn gì... anh cũng không biết hay không thấy cần phải biết. Anh đã thờ ơ, như bản chất vô tâm cố hữu của mình.
Một người phụ nữ khác lại kể: Càng sống bên cạnh chồng, chị càng thấy anh không hiểu chị. Những lúc ốm đau, chị cũng chưa bao giờ nhận được từ anh một lời quan tâm, động viên, an ủi. Dù không nói ra, nhưng nỗi buồn trong tâm hồn cứ lớn dần lên khiến chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Chị càng cố gắng gần gũi để anh hiểu chị thì anh càng xa cách với chị. Những ngày lễ Tết, chị vui vẻ nhận lời chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp nhưng khi về đến nhà nụ cười trên môi không còn vì không khí gia đình lạnh lẽo. Đó chính là lý do dẫn đường cho đổ vỡ.
Trở lại câu chuyện của người đàn ông trên. Anh bảo, bây giờ những lúc rảnh rỗi, anh thường về nhà sớm, ngồi một mình trong phòng khách, nơi mà trước đây mỗi khi về vẫn thấy vợ mình đã ngồi đợi chồng khi con đã ngủ. Và khi anh tự nếm trải cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình, bên cạnh người thân thiết với mình, anh mới thấm thía thật nhiều. Anh cứ ước giá như sớm nhận ra rằng sức chịu đựng của mỗi người đều có hạn. Giá như anh hiểu rằng hạnh phúc không phải chỉ là giang tay đón nhận, là một sự hiển nhiên phải ở mãi bên. Không phải anh không yêu quý gia đình, nhưng hình như anh đã quá coi nhẹ những va chạm vụn vặt, những thất vọng nhỏ nhặt, những lo toan mà gia đình nào cũng có. Anh đã thờ ơ với chính hạnh phúc mình đang có.
Nuôi dưỡng hạnh phúc mỗi ngày
Từ thực tế cuộc sống, nhiều người cũng đúc kết lên rằng: Hạnh phúc gia đình rất cần được nuôi dưỡng qua thời gian và những lo toan khắc nghiệt của cuộc sống để tình cảm vợ chồng mỗi ngày lại khăng khít hơn. Hôn nhân không thể thiếu những quan tâm nhỏ nhất khi người ốm đau, buồn vui, hạnh phúc. Bởi trong khoảng thời gian yêu, cuộc sống đôi tình nhân luôn tràn đầy lãng mạn và hạnh phúc. Song đời sống vợ chồng thì khác, trước những vấn đề cuộc sống, bộn bề những lo toan gia đình, tình cảm lứa đôi bị nhiều điều chi phối, tình cảm dễ theo đó nhạt dần. Khoảng trống thời gian trong đời sống vợ chồng tuy không ảnh hưởng tới hạnh phúc mạnh mẽ như mâu thuẫn, cãi vã hay bạo lực, nhưng nó âm thầm gặm nhấm, làm cho tình cảm đôi lứa càng ngày càng cách xa. Muốn ngọn lửa tình yêu luôn cháy, cần sự chia sẻ và quan tâm của cả hai người.
Nhiều người hiện nay hay than phiền, công việc hàng ngày quá bận rộn cứ cuốn trôi các thành viên trong gia đình về mỗi ngả khác nhau, thời gian sum họp chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Không ít những gia đình trẻ, chỉ thường xuyên có mặt người giúp việc thay chủ nhà chăm lo cơm nước, chăm cho con cái. Bởi khi ấy, người vợ, người chồng còn mải lo việc riêng của bản thân, chưa về. Tổ ấm cứ dần biến thành “tổ lạnh” lúc nào không hay. Hôn nhân lúc đó sẽ gặp sóng dữ và có khi bao trùm đầy khoảng lặng. Vượt qua được những thăng trầm ấy như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào cái tài “chèo lái” của cả vợ lẫn chồng.