Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trồng và chăm sóc cây đào sau Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào là loại cây trồng khó tính và không chịu được úng.

Vì vậy, để cây đào phát triển tốt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc đào như sau:

 - Trồng lại: Sau Tết, bà con nên trồng lại đào càng sớm càng tốt. Khi trồng đào, bà con cần thay hỗn hợp đất mới trong bầu với tỉ lệ: 3 - 4 phần đất trộn với một phần phân hữu cơ. Đồng thời, chọn chỗ đất cao ráo, thoát nước tốt, làm đất tơi xốp, lên luống cao 25 - 30cm, rộng 70cm, tạo rãnh thoát nước.

- Bón phân: Bón lót phân hữu cơ khi trồng 3 - 5kg/cây tùy theo cây lớn hay nhỏ. Đối với đào gốc, sau khi thu hoạch cành bán Tết cần bón 3 - 5kg phân hữu cơ/cây ngay sau Tết 10 - 15 ngày. Tưới thúc bằng cách hòa 15 - 25g NPK/10 lít nước sau khi bón phân hữu cơ 10 - 15 ngày. Bón thúc bằng phân NPK với lượng 50 - 100g/cây, định kỳ 15 - 20 ngày/lần kết hợp với xới đất và phun phân bón lá nhằm giúp cây phát nhiều cành. Từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11 Âm lịch, tùy theo năm nhuận hay thường và tình hình sinh trưởng của cây để quyết định ngừng bón phân gốc. Chỉ phun phân bón lá nhằm hạn chế tăng trưởng thân lá, thúc đẩy phân hóa mầm hoa.

- Phòng trừ sâu bệnh: Nếu đào bị nhện đỏ gây vàng lá, rụng lá, bà con có thể sử dụng luân phiên các loại thuốc: Regent 800WG, Sokupi. Nếu đào có dấu hiệu lở cổ rễ hay đốm lá, bà con cần dùng Anvil 10EC. Nếu đào bị rệp sáp hại, bà con có thể dùng Supracide để phòng trừ. 

- Tạo thế và tạo tán: Bà con nên tiến hành liên tục 5 - 7 ngày/lần bằng cách kết hợp uốn, buộc các cành non vào với nhau hoặc vào một khung theo các thế đã định và cắt tỉa bỏ những cành ngoài ý muốn.