Kinhtedothi - Nghiên cứu mới do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Động vật học London cho thấy quần thể cá ngừ và cá thu đã giảm mạnh (gần ¾) trong hơn 40 năm qua.
Ảnh minh họa.
Các loài cá thuộc họ Scombridae - bao gồm cá ngừ - có mức giảm khoảng 74% trong giai đoạn từ 1974 - 2012. Cũng theo nghiên cứu, khoảng 1.234 loài sống ở đại dương có mức giảm khoảng 49% trữ lượng loài trong giai đoạn này.Theo WWF, nếu các biện pháp quyết liệt không được xem xét thực hiện thì điều này thực sự sẽ gây ra thảm họa. Chính con người đang hủy hoại những nguồn thực phẩm quan trọng cũng như các hệ sinh thái ở đại dương của chúng ta. Hải sâm cũng là loài đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm trữ lượng lớn. Quần thể hải sâm đã giảm tới 98% tại Galapagos và 94% tại vùng Biển Đỏ của Ai Cập.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng suy giảm trữ lượng loài kể từ những năm 1970, trong đó có thể kể đến khai thác quá mức và ô nhiễm. Nồng độ axit tăng cao cũng khiến cho tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nó thậm chí còn có thể khiến các rạn san hô trên thế giới sẽ hoàn toàn bị chết vào năm 2050. Axit hóa thực sự đáng sợ.
Từ những năm 1980, con người đã nhận ra rằng giải pháp cho vấn đề ô nhiễm chính là pha loãng. Từ đó, con người cho rằng đại dương có năng lực hấp thụ ô nhiễm vô hạn. Tuy nhiên, đó không phải sự thật. Hiện nay, chúng ta đã đạt đến mức ô nhiễm giới hạn.
Đối với vấn đề khai thác quá mức, chúng ta đã thành công từ những biện pháp quản trị hiệu quả hơn giống như những gì đang diễn ra ở Biển Bắc khi trữ lượng cá tuyết đã được cải thiện. Các chính phủ cần theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đưa ra.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa tư nhân và chính phủ trong việc khai thác và bảo tồn nguồn lợi. Ngư dân cần phải hiểu rằng những biện pháp chính phủ thực hiện là vì lợi ích lâu dài của họ.