Giàu lên nhờ làng nghề
Toàn huyện Thường Tín hiện có 126 làng có nghề, trong đó có 48 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, 1 làng nghề tiêu biểu cấp TP. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như thêu ren (Quất Động); Sơn Mài (Hạ Thái); chăn, ga, gối, đệm (Trát Cầu)… Trong số 48 làng nghề được công nhận, có khoảng 12.500 cơ sở sản xuất tạo việc làm cho khoảng 30.600 lao động với thu nhập ổn định từ 4 – 8 triệu đồng/tháng.
Sản xuất làng nghề hàng năm mang lại nguồn thu cho xã từ 95 – 100 tỷ đồng, chiếm 70% tỷ trọng kinh tế của địa phương. Không những đời sống của người dân được nâng cao, làng nghề còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở các vùng lân cận. Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Khải |
Bà Mai Thị Trinh, chủ cơ sở sản xuất gỗ Sơn Thịnh, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín cho biết: “Gia đình tôi đã làm mộc gần 20 năm nay. Sản phẩm chủ yếu là đồ mộc gia dụng. Tuy vất vả nhưng thu nhập từ nghề khá ổn định. Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt 5 – 7 tỷ đồng, lợi nhuận 500 – 700 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 6 – 18 triệu đồng/tháng”.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết, toàn huyện hiện có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 171 DN đầu tư, phục vụ cho công tác di dời các cơ sở sản xuất làng nghề ra khỏi khu dân cư, với tỷ lệ lấp đầy 100%. Khu vực ngoài cụm công nghiệp có 1.450 DN, tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động, góp phần ổn định, nâng cao đời sống người dân. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị TP quyết định thành lập thêm 3 cụm công nghiệp và mở rộng 1 cụm công nghiệp trên địa bàn.
Hàng năm, huyện bố trí khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Tính đến nay, UBND huyện đã triển khai xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể: Sơn mài Hạ Thái, thêu Thường Tín và chăn, ga, gối đệm Trát Cầu; phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng 6 thương hiệu làng nghề. Năm 2019, Thường Tín có 24/52 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và trong đó có 16 sản phẩm được tham gia cấp khu vực.
Còn nhiều trăn trở
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín còn nhiều hạn chế, trong đó nhức nhối nhất là ô nhiễm môi trường. Tại làng nghề lược sừng Thụy Ứng, hiện có trên 200 cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư. Hàng ngày, người dân Thụy Ứng phải sống chung với mùi hôi tanh từ chất thải của các cơ sở kinh doanh chế biến da trâu, bò; hít bụi sừng hay tiếng ồn phát ra từ các máy cưa, máy mài, máy ép sừng… “Để bảo vệ môi trường, hạn chế bụi sừng, các cơ sở đã chủ động đầu tư máy hút bụi ngay trong xưởng. Tuy nhiên, do không có kinh phí đầu tư cơ sở hiện đại, cộng với diện tích sản xuất chật hẹp nên giải pháp này không mấy hiệu quả” - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lược sừng Thụy Ứng Nguyễn Xuân Huy cho biết.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các làng nghề chủ yếu vẫn mang tính manh mún, trình độ quản lý thấp, thiếu thông tin thị trường, công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất, chất lượng các mặt hàng kém và sản phẩm không có chỗ đứng trên thị trường. Việc tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là qua đối tác thứ ba nên lợi nhuận thấp.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, huyện sẽ kiến nghị TP tiếp tục đầu tư quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề tập trung trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ về xây dựng và bảo tồn làng nghề truyền thống, tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề. Bên cạnh đó, tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ về vốn cho các DN, hộ sản xuất làng nghề đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng. Ngoài ra, xây dựng các điểm du lịch làng nghề nhằm thu hút khách tham quan...