Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ là đô thị hiện đại nhất của Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (5/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài.

Cùng dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc; Hoàng Trung Hải; Vũ Văn Ninh; Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; về phía TP Hà Nội có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh; Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các Phó Chủ tịch UBND TP, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, năm 2014, Hà Nội đã huy động các nguồn vốn xây dựng hạ tầng, quản lý và phát triển đô thị để hoàn thành hầu hết các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo quy định, quy hoạch chung Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, quan trọng trên địa bàn được khánh thành và đưa vào sử dụng như: Đường 5 kéo dài, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, trục đường Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga T2, đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, đường Trần Phú - Kim Mã, Nguyễn Văn Huyên kéo dài…

Đối với quy hoạch và cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lập Quy hoạch chi tiết xây dựng 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu đô thị N5, N7, N8, GN, R-Sông Hồng làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết theo quy định. Đồng thời, tổ chức thi tuyển quốc tế phương án quy hoạch 2 bên tuyến đường; lấy ý kiến cộng đồng và các cơ quan liên quan theo quy định. Đến nay, hồ sơ Quy hoạch chi tiết do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tổ chức lập đã lắp đặt mô hình để xem xét, thẩm định, phê duyệt.

Theo đó, về ranh giới, phía Bắc giáp sân bay Nội Bài; phía Nam giáp sông Hồng; phía Đông và phía Tây giáp các tuyến đường quy hoạch song song tuyến Nhật Tân - Nội Bài. Quy mô tổng diện tích khoảng 2.080ha; chiều dài tuyến khoảng 11,7km. Phạm vi nghiên cứu thuộc địa bàn 3 xã của huyện Sóc Sơn, 10 xã của huyện Đông Anh.

Đồ án có quy mô lớn nên được phân làm 4 đoạn: Đoạn 1, từ sân bay Nội Bài đến đường Vành đai 3, diện tích 390,2ha, dân số 6.535 người; đoạn 2, từ đường Vành đai 3 đến đầm Vân Trì, diện tích 526,72ha, dân số 20.291 người; đoạn 3, từ đầm Vân Trì đến đến đê sông Hồng, diện tích 888,3ha, dân số 70.012 người; đoạn 4, phần còn lại ngoài đê sông Hồng, diện tích 274,6ha, dân số 29.620 người.

Quy hoạch đã thực hiện ý tưởng tái hiện truyền thống Thăng Long - Hà Nội, với ý tưởng rồng đón ngọc - xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ Sân bay Nội Bài đi về Trung tâm Thành phố, đầu quay về sông Hồng - Hồ Tây. Đây là cửa ngõ của Việt Nam với thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững với dải cây xanh trải dài hai bên và đan xen là không gian cây xanh mặt nước tự nhiên. Phát triển tổ hợp TOD theo ga đường sắt đô thị. Trung tâm công cộng tài chính, thương mại Phương Trạch là khu vực giao giữa đường sắt đô thị số 2 và số 4; tại đây hình thành các tổ hợp công cộng, tài chính, thương mại có độ nén cao dựa trên phát huy khả năng lưu chuyển hành khách đường sắt.
Trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ là đô thị hiện đại nhất của Hà Nội - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu T.Ư, TP Hà Nội xem mô hình Quy hoạch chi tiết xây dựng 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Tái định cư tại chỗ cho người dân diện đền bù dự án 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định,
Quy hoạch chi tiết xây dựng 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài là đồ án quy hoạch chứ không phải dự án đầu tư đơn thuần, Chính phủ đồng ý với chủ trương phát triển đô thị này. Đồng thời kiến nghị, Hà Nội cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, và lấy ý kiến thêm của Thành ủy, HĐND để hoàn thiện phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

“Đã phê duyệt rồi phải quản lý và làm cho tốt để sau 15-20 năm nữa chúng ta vui mừng thấy phía Bắc Hà Nội có một đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Việc đền bù GPMB khoảng 11 ngàn tỷ đồng, tiền xây dựng hạ tầng khoảng 22 ngàn tỷ đồng và các hạng mục chung. Còn các dự án bên trong do nhà đầu tư. Tôi tin tưởng rằng, khoảng 10-15 năm chúng ta sẽ có một khu đô thị đẹp như quy hoạch và xứng tầm với các nước trong khu vực và thế giới” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, Hà Nội cần đặt tên gắn với địa phương, ví dụ đặt tên là: Khu đô thị Bắc Hà Nội hay Bắc Thăng Long. Thủ tướng cho biết thêm, hiện chúng ta đã hoàn thành việc chỉ thủy sông Đà, bởi Việt Nam đã hoàn thành 3 thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu trên sông Đà, do đó phải hàng rất lâu vùng đất ven sông Hồng mới xảy ra ngập lụt như trước đây.
Trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ là đô thị hiện đại nhất của Hà Nội - Ảnh 2
Quy hoạch chi tiết xây dựng 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Đối với cơ chế, chính sách đặc thù và quản lý dự án đầu tư phát triển 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý với những đề xuất của TP Hà Nội và các ý kiến kiến nghị của các Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan. “Để đô thị tại hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài hiện đại, văn minh chúng ta cần sự quyết tâm của cả Chính phủ, các bộ, ngành và TP Hà Nội. Và chúng ta cần thực hiện theo lộ trình, nhà nước đứng ra thu hồi đất, tái định cư cho nhân dân đàng hoàng. Tinh thần là tái định cư tại chỗ, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng và TP Hà Nội thực hiện đảm bảo hợp lý với số tiền 11 ngàn tỷ đồng phục vụ cho GPMB" - Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm, đối với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung cần thực hiện đa dạng các nguồn: Vốn ngân sách, vốn BOT, vốn địa phương… Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư vào làm cũng thực hiện đa dạng hình thức để phù hợp như: Đấu thầu, chào thầu lựa chọn thầu, mời nhà thầu vào làm… Về giá đất sẽ thực hiện theo thị trường, nhưng linh hoạt theo từng dự án, theo mục đích sử dụng.