Kinhtedothi - Ngày 1/7, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi triển lãm 100 bản đồ cùng nhiều hiện vật, tư liệu quý với chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Trong đó, bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen, nhà địa lý học người Bỉ biên soạn, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) năm 1827 là tài liệu quý giá không chỉ về học thuật mà còn có giá trị pháp lý, góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Các bản đồ, tư liệu này được trưng bày theo chủ đề: bản đồ Việt Nam thời quân chủ, bản đồ xuất bản tại phương Tây, bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây, bản đồ Trung Quốc do các nhà nước Trung Quốc xuất bản (từ thế kỷ 16 đến 20) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tư liệu hình ảnh và các tư liệu hán nôm của Việt Nam trong thời Nguyễn (1802-1945) và thời kỳ trước năm 1975.
"Đại Nam nhất thống toàn đồ" do vua Minh Mạng cho vẽ năm 1838 có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán. Nguồn: Internet
|
Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết, xuyên suốt qua nhiều thế kỷ, các triều đại phong kiến đã cử người ra hai quần đảo này khai thác hải vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc và lập bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Các nhà hàng hải, nhà địa lý học, thương gia... người phương Tây cũng lập bản đồ ghi nhận quá trình khai phá, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa suốt từ thế kỷ 16 đến 19.
"Triển lãm lần này diễn ra ở huyện đảo Lý Sơn, 'cái nôi' của quê hương Hải đội Hoàng Sa, càng tạo thêm sức mạnh chân lý, minh chứng sống động chủ quyền của Việt Nam", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam đã xác lập chủ quyền với hai quần đảo trên từ rất sớm, liên tục bằng con đường hòa bình. Nhiều tư liệu, bản đồ do nhà nước phương tây và do chính Trung Quốc công bố hàng trăm năm qua cho thấy Trung Quốc không có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa.
"Cuộc triển lãm này nhằm tri ân công đức tổ tiên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời kêu gọi thế hệ người Việt Nam thể hiện ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", ông Tuấn nói.