KTĐT - Phía sau một sự trở lại đầy bất ngờ của Trung Kiên thì câu hỏi, liệu tiền vệ tổ chức này có thành công với đội bóng đã từng là nơi anh tập luyện từ bé và trưởng thành?
Sẽ không ai đòi hỏi Trung Kiên phải ghi được gần chục bàn thắng và có gần chục đường kiến tạo khác cho đồng đội như trước kia. Đòi hỏi như vậy là phi thực tế. 5 năm đã thay đổi và lấy đi quá nhiều ở cầu thủ này, đặc biệt là thể lực và sự hăng hái. 5 năm lại không cho Kiên thêm nhiều kinh nghiệm trận mạc, bởi khi ra đi Kiên đã được coi là một tiền vệ rất quái của BĐVN rồi. Cái Kiên có thêm qua 5 năm làm cầu thủ ở TP HCM có lẽ chỉ là kinh nghiệm sống!
Sự chờ đợi ở Trung Kiên với Nam Định mùa giải 2010 là một chỗ dựa về mặt tinh thần, một người cầm chịch ở khu vực giữa sân khi xung quanh nhìn đâu cũng thấy cầu thủ trẻ. Dù khá khiêm tốn như thế, nhưng thực tế, những đòi hỏi ấy chính là những công việc của thủ lĩnh, nhạc trưởng ở mỗi đội bóng.
Khoảng 3 mùa bóng ở TP HCM (mùa 2007 Kiên khoác áo Thể Công (mượn) nhưng không ra sân nửa mùa, và nửa còn lại anh không được đăng ký ở CLB nào), các HLV cũng xếp Kiên ở một vị trí tương tự, dù họ không chờ đợi và đòi hỏi Kiên phải là ông chủ trên sân. TP HCM (trước là TMNCSG) chỉ mong Kiên đá tròn vai. Kiên hầu như không đáp ứng được yêu cầu đó, dù có thời điểm anh tập tốt và chuẩn bị thể lực kỹ lưỡng để sẵn sàng khi được trao cơ hội.
Đó được coi là một thất bại nằm trong dự báo. Bởi, Kiên thuộc mẫu cầu thủ cần có những đồng đội phải cày cật lực, tìm kiếm bóng, lo cho nhiệm vụ phòng ngự rồi giao bóng cho anh. Tức là trên sân, để Kiên phát huy được khả năng, thì anh cần có một vài vị trí phục vụ cho mình.
Ở đội bóng TP HCM, Kiên không được nhận quyền ưu đãi đó. Các đời HLV không xây dựng lối chơi để đặt anh lên bục cao nhất. Họ chỉ làm thế với các ngoại binh, còn với nội binh thì ngay một lão tướng như Hồ Văn Lợi cũng phải chạy, phải tranh chấp mỗi khi xuất hiện. Các đồng đội dù rất tôn trọng phong cách sống của Kiên, nhưng ở trên sân, họ không chấp nhận tự vào vai người phục vụ, trừ phi trình độ chuyên môn và hiệu suất chơi bóng của Kiên thuyết phục được họ.
Ở Nam Định, có lẽ Kiên sẽ không phải rơi vào tình trạng đó. Những cầu thủ đã từng phục vụ Kiên giờ đã ra đi như Xuân Phú, Ngọc Lung, Đức Dương, Trọng Lộc… Nhưng thế hệ cầu thủ giờ mới 19-20, dù chưa từng đá bên cạnh và chưa chịu ảnh hưởng của anh sẽ là người phục vụ. Nam Định có truyền thống, là đội bóng có trật tự trên dưới, luôn tôn trọng tối đa các thủ lĩnh, như sau Văn Sĩ là Trung Kiên, và gần đây nhất là thủ môn Quang Huy.
Sẽ không cần HLV phải giao nhiệm vụ cho các cầu thủ, những người chơi xung quanh Kiên sẽ quán triệt lối chơi rằng họ phải tìm kiếm bóng để trao cho Trung Kiên, rồi từ đó, anh sẽ phân phối cho các tiền đạo.
Sự ưu đãi được mặc định ấy dĩ nhiên là một thuận lợi, là yếu tố đảm bảo cho Trung Kiên chắc chắn sẽ quên đi những ngày tháng mờ nhạt ở TP HCM. Nhưng mặt trái của nó là sức ép, là sự đòi hỏi Kiên phải gồng gánh được cho đội bóng thành Nam, dù ai cũng biết, không thể trông chờ anh sẽ tái hiện lại hình ảnh của chính mình ở mùa 2003 và 2004.