IMF đã nâng mức dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Trung Quốc từ nay đến 2020. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức bình quân 6,4% trong giai đoạn từ 2017-2020, cao hơn 0,4% so với mức dự báo từ một năm trước. Trong khi tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm những khoản nợ từ người dân, doanh nghiệp và chính phủ sẽ tăng ở mức tương đương 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2022, cao hơn mức 242% vào năm 2016.
Trong thời gian qua, nhằm duy trì sự ổn định cho nền kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các thể chế tài chính của nước này cần có biện pháp hạn chế tình trạng vay nợ đang gia tăng của các tập đoàn kinh tế quốc doanh, đồng thời coi đây là “ưu tiên trong những ưu tiên”. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, để có thể giải quyết tận gốc vấn đề, đòi hỏi chính phủ Trung Quốc cần có động thái thay đổi cơ chế phân bổ vốn thiếu hiệu quả và huỷ bỏ các chính sách ưu đãi bất bình đẳng, điều vẫn chưa được các nhà lập pháp nước này thực hiện một cách quyết liệt.
Liên quan đến tỉ lệ nợ ở khối doanh nghiệp tư nhân, con số này đã tăng 16% trong năm 2016, đây là mức tăng gấp đôi so với tỉ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa cùng năm. Theo thống kê, kể từ năm 2008 đến nay, mức nợ của khối này đã tăng 80% lên 175% giá trị sản lượng thực tế làm ra. Con số tăng đột biến này xuất phát từ những khó khăn của doanh nghiệp trong thời kì khủng hoảng tài chính. Các nhà kinh tế cho rằng, nếu chính phủ Trung Quốc kiểm soát tốt hơn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng GDP giai đoạn 2012-2016 của nước này sẽ nằm ở mức 5,5%, thay vì ở mức tăng trưởng “nóng” và thiếu bền vững 7,25% trên thực tế, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Trung Quốc sẽ ở mức 6,7% và lạm phát tiếp tục giữ ổn định ở mức 2%. Mục tiêu mà nước này cần hướng tới trong tương lai là tăng trưởng bền vững, với ưu tiên nâng cao chất lượng hiệu quả tăng trưởng thay vì tình trạng tăng trưởng nóng như trước kia. Trong đó, tập trung vào một số biện pháp như giảm dư thừa trong sản xuất công nghiệp, thắt chặt quy định về vay nợ đối với chính quyền địa phương, và xử lý các rủi ro trong ngành tài chính. Đây cũng là quan điểm được IMF ủng hộ: ”Với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay, đây là thời điểm thích hợp để Trung Quốc đẩy mạnh tiến trình giảm nợ. Ngoài ra, việc thúc đẩy tiến trình cải cách là phương án thích hợp để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế về trung hạn, qua đó đối phó với các rủi ro có thể xuất hiện từ những bất ổn trên thị trường tài chính thế giới”.
Ở thời điểm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đang đến gần, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc nhắm tới hiện tại là sự ổn định của nền kinh tế. Đây là điều kiện cần thiết cho phép bộ máy lãnh đạo mới có thêm không gian và thời gian cho những điều chỉnh về cơ cấu và tạo đà cho sự phát triển trong thời kỳ mới.