Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về tiềm lực điện toán thông minh trong năm qua. Điều này phần lớn đến từ việc nền kinh tế số 2 thế giới thúc đẩy chế tạo các mô hình ngôn ngữ lớn cũng như những nỗ lực phát triển công nghệ trong bối cảnh phải liên tục gánh chịu các biện pháp hạn chế đến từ Mỹ.
Ngày 15/7, Cục Thống kê Quốc gia tiết lộ sức mạnh điện toán thông minh hiện chiếm 30% thị phần điện toán cả nước. Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) dự kiến thị phần có thể sẽ đạt 35% vào năm 2025.
Khác với điện toán thông thường, điện toán thông minh tập trung vào việc xử lý các thuật toán phức tạp và dữ liệu phi cấu trúc quy mô lớn thông qua các đơn vị xử lý đồ họa hiệu suất cao. Điều này sẽ giúp các công ty đẩy nhanh tiến độ huấn luyện những mô hình ngôn ngữ lớn với chi phí thấp hơn trong bối cảnh Washington nỗ lực ngăn cản Trung Quốc phát triển chip hiệu suất cao.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển năng lực điện toán khi các hạn chế ngày càng gia tăng. Đến cuối tháng 5, Trung Quốc có hơn 10 trung tâm điện toán thông minh.
Theo ước tính của CAICT, cứ 1% tăng trưởng sức mạnh điện toán sẽ đóng góp khoảng 0,2% vào tăng trưởng kinh tế và 0,4% vào tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số. Viện này cũng cho biết việc đầu tư vào ngành này sẽ tạo ra sản lượng kinh tế lớn.
Cuộc cạnh tranh vị thế đứng đầu trong lĩnh vực công nghệ trở nên khốc liệt hơn sau khi Mỹ cho ra đời mô hình ngôn ngữ lớn ChatGPT và phần mềm chuyển văn bản thành video Sora. Ngoài ra việc ông Trump – người luôn duy trì thái độ cứng rắn với Trung Quốc - có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, buộc Bắc Kinh phải gấp rút hành động.
Trong bối cảnh nhu cầu về sức mạnh điện toán ngày càng gia tăng, chính quyền các địa phương ngày càng quan tâm đến việc xây dựng các cụm trung tâm điện toán thông minh cho riêng mình.
Vào ngày 2/7, TP Thành Đô phía Tây Nam Trung Quốc, nơi có gần 900 công ty AI với tổng giá trị lên đến 78 tỷ nhân dân tệ (10,8 tỷ USD), đã đưa vào hoạt động một trung tâm điện toán thông minh. Chính quyền địa phương cho biết họ kỳ vọng trung tâm này sẽ nâng cao hiệu suất huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lên tới 80%, cũng như giúp tiết kiệm chi phí huấn luyện.
Vào tuần trước, Trung Quốc đã phát hành nền tảng kết nối điện toán đầu tiên. Nền tảng này giúp các công ty AI có thể truy cập vào sức mạnh tính toán trên khắp đất nước.
Các nhà phân tích nhận định thị trường điện toán phân mảnh là nguyên nhân chính cản trở dòng dữ liệu lưu thông giữa các khu vực, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành AI tại Trung Quốc và làm tăng chi phí đối với việc phát triển các mô hình lớn.
Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng 8 trung tâm điện toán và 10 cụm trung tâm dữ liệu trong khuôn khổ dự án với tên gọi “Dữ liệu phương Đông và Điện toán phương Tây”, dự kiến sẽ thu hút đầu tư khoảng 400 tỷ nhân dân tệ mỗi năm.