Chính quyền Trung Quốc đã và đang tìm biện pháp từ chuyên gia và các nhà chính sách nhằm đối phó với khả năng Mỹ áp các hình phạt thương mại lên nước này.
Bắc Kinh là mục tiêu công kích của ông Trump trong thời điểm tranh cử Tổng thống Mỹ, với cáo buộc “nhũng loạn tiền tệ” và phá giá đồng Nhân Dân Tệ (NDT) để thiên vị các nhà sản xuất trong nước.
“Mềm nắn”
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có lý do để tin rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp đặt mức thuế cao hơn ở một số phân khúc Trung Quốc có thặng dư cao với Mỹ, như thép, nội thất hoặc các DN quốc doanh.
Ông Trump từng đe dọa áp đặt thuế suất 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và thường xuyên "dán nhãn" Trung Quốc là “kẻ nhũng loạn tiền tệ”, dù Bắc Kinh đã hạn chế hạ giá đồng NDT trong những năm gần đây.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 23/2 vừa qua, ông Trump tuyên bố Trung Quốc là “nhà vô địch lớn” trong việc nhũng loạn tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng, chính quyền Trump không muốn chiến tranh thương mại nhưng quan hệ thương mại song phương cần được tái xem xét để tạo điều kiện công bằng hơn cho DN Mỹ. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần trước khẳng định, Bắc Kinh không muốn gây chiến tranh thương mại với Mỹ và thúc giục hai bên đối thoại để tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề này.
Nguồn tin của Reuters khẳng định, về những nỗ lực mềm dẻo, Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu từ Mỹ và thúc đẩy đầu tư tại đây để tiếp sức cho thị trường việc làm Mỹ và tỏ thái độ thiện chí trong thương mại với Washington. Nhưng trong trường hợp xấu nhất là Mỹ có những hành động trừng phạt, gây khó dễ, Trung Quốc cũng sẽ không khoan nhượng. “Chúng tôi có những kế hoạch bất ngờ để đối phó với những chính sách tồi tệ nhất mà Tổng thống Trump có thể đưa ra”, theo một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc giấu tên khác.
“Rắn buông”
Cũng theo nguồn tin của Reuters, Trung Quốc đã xem xét tìm các nhà nhập khẩu thay thế Mỹ trong một số mặt hàng nông nghiệp, máy móc và hàng hóa sản xuất, trong khi cắt giảm xuất khẩu các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại, laptop… Các lựa chọn “cứng rắn” khác bao gồm áp đặt thuế, hạn ngạch ngược lại đối với các DN Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, hạn chế họ tiếp cận phân khúc dịch vụ đang phát triển mạnh ở nước này. Ông Trump dự kiến sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới.
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin từng cam kết sẽ có bước đi khoa học hơn để phân tích các động thái can thiệp thị trường ngoại hối của chính quyền Trung Quốc. Theo 3 tiêu chuẩn mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra để xếp một quốc gia vào hạng “nhũng loạn tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại”, Trung Quốc đã sở hữu 1 tiêu chuẩn. Đó là sở hữu thặng dư hơn 20 tỷ USD/năm với Mỹ.
Tuy nhiên cũng có nguồn tin của Reuters khẳng định, ông Trump sẽ không xếp Trung Quốc vào danh sách quốc gia nhũng loạn tiền tệ, bởi khi đó đồng NDT sẽ giảm mạnh. Làm suy yếu đồng tiền này chỉ là biện pháp cuối cùng, khi quan hệ thương mại song phương đã suy giảm đến mức đáy. Đầu tháng này, cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Gao Hucheng khẳng định Bắc Kinh không ngại một cuộc chiến thương mại, nhưng vẫn mong tránh được việc đó.