Hãng tin Nhà nước của Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin, hôm 3/8, nước này đã ra mắt trang web bằng tiếng Trung, gồm các nội dung như thông tin, tin tức, tài liệu lưu trữ lịch sử, phát triển và quản lý, ý kiến chuyên gia, luật và các quy định, hình ảnh, video... về Biển Đông. Tuy nhiên, website này có nhiều nội dung sai lệch về Biển Đông, trong đó có việc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là Tây Sa và tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Trên website cũng có những nội dung ủng hộ cho các yêu sách phi lý ở khu vực mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền như: “Trung Quốc sử dụng sớm nhất và bền vững các đảo ở Biển Đông và vùng biển liên quan” hay “Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện và đặt tên quần đảo Nam Sa (thực chất là Trường Sa của Việt Nam).
Giao diện của cái gọi là trang web cung cấp sự thật về Biển Đông bằng tiếng Trung. |
Trong buổi ra mắt website, ông Trương Hải Văn, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) ngang ngược cho rằng, một số thông tin trên mạng về Biển Đông là không chính xác và website của Trung Quốc sẽ cho phép người dân trong nước và nước ngoài để hiểu rõ hơn về “sự thật” đằng sau các tranh chấp. Thông tin trên trang web được đại diện SOA tự nhận là được một nhóm chuyên gia thẩm tra và là nội dung "toàn diện, có thẩm quyền, chi tiết và chính xác” về Biển Đông.
Thực tế, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan) hôm 12/7 đã bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh đối với vùng biển phía trong yêu sách “Đường Chín Đoạn” mà nước này tự vẽ ra, đồng thời ra phán quyết, Trung Quốc đã làm hủy hoại môi trường sinh thái của quần đảo Trường Sa.