Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát đối với hoạt động vay nợ.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên việc dựa vào vay nợ đã khiến giới chức nước này ngày càng lo ngại. Tính đến cuối năm 2017, tổng số nợ công của Chính phủ Trung Quốc rơi vào khoảng 4,73 nghìn tỷ USD, tương đương 36,2% GDP, giảm 5% so với năm 2016. Nợ chính quyền địa phương trong năm ngoái đã tăng 7,5% lên 2.600 tỷ USD.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định kiềm chế rủi ro này sẽ là chính sách chủ chốt của Bắc Kinh trong năm 2018 và cam kết “thắt chặt kiểm soát rủi ro nội bộ tại các tổ chức tài chính”. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu cải thiện cơ chế để đảm bảo tài chính cho chính quyền địa phương. Dự kiến trong năm nay, trái phiếu đặc biệt của chính phủ địa phương sẽ được phát hành ở mức 1,35 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 213 tỷ USD) và sẽ được dùng hỗ trợ tài chính trong việc thực hiện các dự án hiện nay và một số dự án mới một cách phù hợp.
Hiện tình trạng tài chính hỗn loạn cũng như nợ công ở mức cao tại các địa phương đang là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc trong bối cảnh chính phủ dự tính sẽ bãi bỏ việc đảm bảo ngân sách cho bộ máy tài chính địa phương. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Thiệp khẳng định nước này hoàn toàn đủ khả năng tránh được nguy cơ nợ có hệ thống bằng các giải pháp kiểm soát nợ công tại các địa phương.
Chính phủ Trung Quốc dự định sẽ thiết lập "quota” hợp lý về nợ công của chính quyền địa phương nhằm tránh nguy cơ xảy ra “hỗn loạn trong hệ thống tài chính”. Theo đó, bất kỳ chính quyền địa phương nào làm tăng nợ sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản tăng thêm đó. Điều này giúp ngăn Trung Quốc rơi vào nguy cơ nợ có hệ thống. Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng các biện pháp thắt chặt nói trên sẽ giúp tỷ lệ nợ công của nước này không có biến động lớn trong năm nay và những năm tới.