Trung Quốc siết chặt làn sóng thâu tóm công ty nước ngoài

Lan Hương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay do Bắc Kinh siết chặt kiểm soát việc các DN trong nước thâu tóm các công ty ở nước ngoài.

Năm 2016 đã chứng kiến làn sóng thâu tóm các công ty nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc. Trong đó có vụ tập đoàn hóa chất quốc doanh Chem China chi 44 tỷ USD mua lại công ty sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống khổng lồ Syngenta của Thụy Sỹ. Đây cũng là vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Trung Quốc. Hay vụ mua lại Ingram Micro (Mỹ) của Tianjin Tianhai Investment trị giá 6,3 tỷ USD.

 Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang đi xuống.
Năm ngoái, với giá trị các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài tăng 137%, Trung Quốc chiếm vị trí thứ hai thế giới về thâu tóm doanh nghiệp ở nước ngoài, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, tháng trước, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra các khoản vay của các ngân hàng thương mại cấp cho các doanh nghiệp có nhiều hoạt động mua lại ở nước ngoài nhằm thắt chặt kiểm soát vốn để ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT).
Điều này khiến đầu tư ra nước ngoài của nước này đã giảm xuống mức 48,19 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 6, lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc giảm 11,3%, còn 13,6 tỷ USD, thống kê từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Số thương vụ sụt giảm có thể giúp co hẹp dòng vốn chạy khỏi Trung Quốc, theo đó ổn định tỷ giá đồng NDT của nước này.
Hạ nhiệt “cơn sốt” mua sắm ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã trở thành một ưu tiên chính sách của Bắc Kinh. Theo nguồn tin của hãng tin Bloomberg, từ nay đến hết tháng 9, Bắc Kinh dự kiến sẽ hạn chế các thương vụ mua sắm ở nước ngoài trị giá từ 1 tỷ USD trong những lĩnh vực không phải là lĩnh vực chủ chốt của công ty bên mua.
Sự sụt giảm trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu do các yếu tố nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục khởi sắc khiến đầu tư trong nước tăng cao, thị trường nước ngoài bất ổn hơn và những nỗ lực hạn chế những khoản đầu tư không hợp lý, Người Phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho hay.