Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), một công ty xuất khẩu (XK) tôm của Ecuador đã bị cấm NK vào Trung Quốc trong 1 tuần kể từ ngày 8/5. Kết quả xét nghiệm a-xít nucleic coronavirus dương tính đã được phát hiện trên các mẫu lấy từ trong và ngoài bao bì sản phẩm của một lô tôm thẻ chân trắng. Hồi tháng 8/2020, bao bì sản phẩm của công ty này cũng đã bị phát hiện dấu vết của Covid-19.
Trong khi đó, một tàu chế biến của công ty đánh cá Nga đã bị gia hạn lệnh cấm thêm 2 tuần kẻ từ ngày 9/5, sau khi dấu vết coronavirus được phát hiện trong 4 mẫu bao bì bên ngoài của một lô cá minh thái đông lạnh.
2 công ty thủy sản của Indonesia cũng bị Trung Quốc cấm NK trong 1 tuần do sản phẩm không đạt yêu cầu xét nghiệm. Còn Pakistan có một công ty bị cấm trong 1 tuần kể từ ngày 9/5 liên quan đến lô cá bơn lưỡi trâu có bao bì bị phát hiện nhiễm khuẩn.
Các lệnh cấm trên cho thấy Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế NK cứng rắn, đặc biệt đối với thủy sản đông lạnh. Từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021, có 467 lô sản phẩm thủy sản NK đã bị từ chối, trong đó tôm thẻ chân trắng đông lạnh đứng đầu danh sách, theo dữ liệu của GACC.
Trước đó, tháng 11/2020, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh NK tại những TP đầu mối thương mại với lý do ngăn ngừa Covid-19.
Cụ thể, tất cả sản phẩm thực phẩm đông lạnh khi vào Trung Quốc phải đầy đủ 4 loại giấy chứng nhận mới được đưa ra tiêu thụ, bao gồm: Tờ khai báo hải quan; chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch XK; chứng nhận cách ly và sát trùng; báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm Nucleic Acid Coronavirus.
Điều này gây nên tình trạng hàng quá tải, ùn tắc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình XK cá tra Việt Nam do phụ thuộc rất lớn vào thị trường này. Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, do Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng lớn của XK cá tra Việt Nam nên động thái trên khiến tình hình XK của các DN gặp khó do phía đối tác ngưng nhập hàng…
Từ đầu năm 2021 đến nay, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự gia tăng đột biến các ca mắc trên toàn cầu, theo Tổng cục Thủy sản, sự phục hồi của ngành cá tra có thể bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí tình hình có thể đảo ngược. Việc bổ sung hoạt động kiểm tra biên giới ở Trung Quốc là một ví dụ về các trở ngại có liên quan đến đại dịch và có thể tồn tại trong một thời gian tiếp theo.
Theo VASEP, XK cá tra Việt Nam quý I/2021 đạt hơn 344 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK Mỹ đã tăng 16%, Trung Quốc tăng 10,3%..., một số thị trường lớn tại ASEAN đã có nhu cầu nhập tăng trở lại. Nếu xu hướng này tiếp tục giữ vững, lượng hàng tồn tại Mỹ và Trung Quốc hầu như đã hết, nhiều khả năng giá trị XK cá tra Việt Nam trong các tháng tới có nhiều lạc quan.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mức tăng trưởng đó thì các DN XK cá tra chưa thực sự an tâm, vì ngay từ đầu năm nay, chi phí đầu vào đã tăng mạnh, chi phí vận tải biển cũng tăng vọt, nhiều yếu tố kéo theo khiến giá bán phải tăng lên…